Nói may mắn là bởi, khán phòng Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF) tại TPHCM không còn chỗ trống trong đêm công chiếu đầu tiên; nhiều người phải đứng ở cả lối đi. Bên cạnh đó, có nhiều khán giả, dù đã thực hiện đăng ký xem phim theo hướng dẫn, nhưng vì đến muộn hơn, đành phải ngậm ngùi ra về. Tôi để ý, trong khán phòng, ngoài những mái đầu đã hoa râm, đa phần khán giả còn lại đều là những bạn trẻ.
Đoạn trường vinh hoa không theo kiểu hình ảnh và lời bình như tôi vẫn xem trên truyền hình. Phim theo chân gánh hát cải lương tuồng cổ Phương Ánh rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. Họ vừa là những ông hoàng, bà chúa trên sân khấu, nhưng cũng là những người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn sân khấu hạ xuống.
Phim khai thác tối đa 2 mảng màu đối lập: rực rỡ, huy hoàng trên sân khấu và chật vật, lam lũ ở hậu trường với những bữa ăn nhanh, giấc ngủ vội. Tôi đặc biệt ấn tượng hình ảnh nghệ sĩ vừa ca xong một trường đoạn, chạy vội về cánh gà, nhấp ngụm nước cho ngọt giọng rồi trở lại sân khấu. Ông bà ta nói “sinh nghề, tử nghiệp”, xem phim, tôi thấm thía điều này hơn. Có người đã trút hơi thở cuối cùng sau cơn bạo bệnh, sau khi rút hết ruột gan để phục vụ khán giả. Để rồi hôm nay, trong khán phòng buổi chiếu, tiếng nấc nghẹn của người thân ở lại vẫn xót xa.
Là người ngoại đạo với cải lương, xem phim dù chưa hiểu hết những vai diễn, từng trích đoạn, nhưng tôi đặc biệt trân quý đam mê của những nghệ sĩ. Tôi bị ám ảnh bởi cái run bần bật của “cô đào” Phương Anh, đang nằm trên giường bệnh vẫn khao khát được xem lại trích đoạn của mình cho đỡ nhớ nghề. Một nghệ sĩ già, đã 60 năm theo nghề ca diễn, thắp nén hương xin tổ nghiệp cho mình được nghỉ ngơi vì đã tận sức. Đặc biệt, “bà bầu” gánh hát Phương Ánh, dẫu khó khăn trăm bề vẫn cố lo chu toàn cho cả đoàn cũng như gia đình riêng. Chính bà đã nói với cháu ngoại của mình, nếu còn muốn được đứng trên sân khấu, theo nghiệp gia truyền, trước hết phải có công việc với thu nhập ổn định. Sống rồi mới ca diễn được. Vất vả, lam lũ là thế, chưa bao giờ họ nói một tiếng bỏ nghề.
Tôi nán lại đến hết buổi chiếu để nghe chia sẻ của đoàn phim. Hóa ra, 55 phút ngắn ngủi trên màn ảnh là kết tinh của 18 tháng làm việc với hơn 100 giờ quay phim. Đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ, anh đến với dự án bắt đầu từ một bức ảnh. Từ sự tò mò ban đầu và hoàn toàn mờ mịt với bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ, anh bị cuốn theo, quyết định tìm hiểu và đến với gánh hát Phương Ánh như một cơ duyên. Tuy nhiên, phải mất 4 tháng làm quen, anh và cộng sự (tác giả Thanh Nguyễn) mới thực sự hòa chung vào nhịp sống của gánh hát, cùng ăn, cùng ngủ và chứng kiến toàn bộ những gì diễn ra. Và, anh đã trở thành một phần của gánh hát. Có lẽ, vì lý do đó, những thước phim thật đời, trần trụi mà chân thực.
Bộ phim có kết thúc buồn. Gánh hát người còn - người mất, người cũ - người mới, nhưng theo vòng quay của những bánh xe, gánh hát vẫn còn đó. Buông bỏ nặng gánh hai vai, bước lên sân khấu, những nghệ sĩ lại thăng hoa và lời ca tiếng hát ấy sẽ chẳng bao giờ tắt lịm.