Nước mắt của học sinh vùng lũ...

Tiếp tục chương trình cứu trợ người dân đang gặp hoạn nạn, thiệt hại nặng nề do lũ lụt sau bão số 3, đồng thời triển khai Chương trình "Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường", ngày 21-9, nhóm công tác của Báo SGGP đã trao tiền và hàng cứu trợ của bạn đọc đến các trường học ở Lào Cai, Yên Bái - những địa bàn bị chịu thiệt hại nặng nề trong đợt bão lũ vừa qua.

Nằm trong khó khăn chung, ngành giáo dục chịu thiệt hại nặng nề cả về người và của trong cơn bão số 3. Lũ lụt đã ảnh hưởng rất lớn đến các cơ sở GD-ĐT, gia đình cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, khiến cho hoạt động dạy - học nhiều nơi bị đình trệ.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính 1.260 tỷ đồng; hư hỏng 41.564 bộ sách giáo khoa. Trong đó, thiệt hại về cơ sở vật chất gần 515 tỷ đồng; trang thiết bị dạy học là 745 tỷ đồng. Có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích. Nhiều công trình trường học bị sập, đổ, tốc mái; thiết bị dạy học, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng.

Trong thiệt hại chung của toàn ngành, giáo dục Yên Bái và Lào Cai bị ảnh hưởng nặng do là những địa bàn tâm lũ. Nhiều cán bộ giáo viên, nhân viên, nhiều gia đình phụ huynh học sinh bao năm tích cóp, vay mượn mới có được ngôi nhà, chiếc xe... thì chỉ sau một đêm, mưa lũ cướp đi tất cả.

15.jpg
Các cô giáo Trường Mầm non Việt Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vẫn chưa dọn xong trường lớp

Đến trao số tiền 100 triệu đồng của bạn đọc Báo SGGP trong Chương trình "Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường" cho Trường Mầm non Việt Tiến (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) nhằm giúp trường có thể khắc phục phần nào thiệt hại, chúng tôi vẫn nhận thấy dấu vết của cơn lũ lịch sử vẫn gần như còn nguyên đó.

Ở ngôi trường này, những bức tường chưa kịp khô dấu ấn bị nước ngập tới hơn 2m. Các thiết bị điện tử gần như hỏng hoàn toàn do chìm trong nước. Những gì còn sót lại đang được các giáo viên mang ra hong phơi sau khi đã rửa dọn. Tất cả giáo viên đều đang tất bật để dọn dẹp, sửa sang lại nhà trường.

17.jpg
Báo SGGP hỗ trợ tiền từ Chương trình "Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường" cho Trường Mầm non Việt Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hoài (sinh năm 1987), giáo viên lớp 5 tuổi ở Trường Mầm non Việt Tiến kể lại, tất cả tài sản của nhà trường, đồ dùng của trường bị chìm trong nước, hư hại gần như cơ bản. “Lũ lên ban đêm, dâng lên rất nhanh, loáng cái đã ngập cả 2m, nên không một giáo viên nào có thể “cứu trường”, chạy đồ. Không chỉ điểm trường chính mà 2 điểm trường của Mầm non Việt Tiến cũng bị hư hại nặng gần như toàn bộ cơ sở vật chất bị hư hại.

Cô Trần Thị Thu Hoài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi lũ rút, trường đã được lực lượng công an, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Lào Cai, các tình nguyện viên đến hỗ trợ trường dọn dẹp sắp xếp, lau rửa bàn ghế, đồ dùng dạy và học. Nhưng, cho đến tận ngày 21-9, sau hơn 10 ngày, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, chỉ mới dừng ở mức tạm bợ để có thể đón 148 trẻ đến lớp từ ngày 23-9.

Nhận tấm lòng của bạn đọc Báo SGGP và Chương trình "Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường", tập thể giáo viên Trường Mầm non Việt Tiến rưng rưng, vì như vậy, trường sẽ có nguồn lực quan trọng để có thể mua sắm, tái thiết lại đồ dùng học tập cho các con.

tp.jpg
Báo SGGP trao hỗ trợ tiền cho học sinh Trường Tiểu học - THCS xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

Rời huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, chúng tôi phải đi một chặng đường rất xa, qua hàng chục điểm sạt lở, đường nứt nguy hiểm để đến Trường Tiểu học - THCS xã Tân Phượng (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái).

Nằm trên núi cao, xã Tân Phượng không ngập nhưng bị sạt lở nặng. Rất nhiều gia đình học sinh, giáo viên của trường bị sạt lở, mất nhà, phải di dời nơi ở. Toàn bộ thôn Khe Bín bị sạt lở, phải di dời. Khi chúng tôi đến, chính quyền xã đang họp với bà con toàn thôn để thống nhất địa điểm, phương án di dời thôn.

Thầy Triệu Văn Phú, giáo viên khối tiểu học Trường Tiểu học - THCS Tân Phượng hiện đang được trường bố trí cho ở tạm một ngôi phòng của trường. “Tôi may mắn thoát chết khi núi sạt lở vùi lấp ngôi nhà. Nghe tiếng nổ lớn, tôi hô con chạy, thoát ra khỏi nhà thì 2 cha con bị thổi bay rất xa. Một khối đất đổ xuống vùi lấp toàn bộ ngôi nhà”, thầy Phú kể lại, giọng vẫn còn đầy hốt hoảng. Rất may, không bị ảnh hưởng về người nhưng ngôi nhà giờ chỉ còn là một bãi đất phẳng, trống không…

Cũng như thầy Phú, hàng chục gia đình học sinh, giáo viên của trường cũng đang phải ở cảnh ở trọ, ở nhờ chờ chính quyền sắp xếp nơi ở. Không một ai dám trở lại nơi mình đã từng sống vì nỗi lo sạt lở… Trong danh sách giáo viên, học sinh ngôi trường này được hỗ trợ, tất cả các hộ gia đình nhà đều bị sạt lở, và nằm trong khu vực nguy cơ bị sạt lở, phải di dời.

3.jpg
Báo SGGP hỗ trợ tiền tại Trường Tiểu học - THCS xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

Tại Trường Tiểu học - THCS xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, thầy Cù Ngọc Tiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hàng chục gia đình học sinh đang phải ở nhờ các phòng trống của nhà trường do nhà bị sạt lở, phải di dời. Nhiều gia đình mất trắng nhà cửa, hoa màu, tài sản do ngập lụt và bị sạt lở. Trao những phần tiền hỗ trợ mà bạn đọc Báo SGGP gửi đến học sinh, chúng tôi không cầm được nước mắt vì không làm sao dỗ được cậu bé Lý Phi Trường ngừng khóc.

14-9793-9975.jpg
Cậu bé Lý Phi Trường không ngừng khóc khi đến nhận hỗ trợ của Báo SGGP, Chương trình "Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường"

Chị Trần Thị Ọi, mẹ của Trường (thôn Ngòi Thắm, xã Tô Mậu) vừa khóc vừa kể, 2 vợ chồng đi làm phụ hồ ở Hà Nội gom góp suốt 8 năm mới xây được căn nhà mới thì lũ đến, vừa ngập vừa sạt lở, nhà sập hoàn toàn.

“2 vợ chồng đi làm thuê xa, chỉ có 2 đứa con ở nhà tự chăm lo cho nhau. Nhà mới xây xong, còn nợ hơn 200 triệu đồng ngân hàng. Cả nhà 4 người chúng tôi còn chưa được ở ngày nào, các cháu tiếc nên khóc cả tuần nay”, chị nói trong nước mắt giàn giụa.

3 mẹ con hiện đang ở tạm ở điểm trường cũ của Trường Tiểu học - THCS xã Tô Mậu vì cha đã phải xuống Hà Nội làm thuê. Cậu bé Lý Phi Trường khóc mãi vì tiếc công sức bao nhiêu năm mới xây được ngôi nhà còn chưa kịp ở…

10.jpg
Đại diện Báo SGGP trao hỗ trợ cho 3 mẹ con cháu Lý Phi Trường

Điểm Trường Mầm non xã Tô Mậu cách điểm trường chính gần 8km đường đất. Với 2 lớp ghép gần 80 cháu người Dao, 4 cô giáo bám điểm trường, khi lũ đến, khối đất đá lớn của quả đồi ngay sau phía điểm trường đổ ụp xuống. May mắn, không bị ảnh hưởng về người, nhưng các cô giáo, phụ huynh ở điểm trường phải mất cả tuần lễ để múc hết khối đất đá bị sạt đè lên khu vệ sinh và khu phía sau bếp. Các cô phải dời học sinh đi học nhờ ở điểm trường tiểu học suốt hơn 10 ngày.

Cô Hà Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tô Mậu cho biết, điểm sạt lở nguy hiểm, nhà trường sẽ phải tìm cách khắc phục để các con có thể học trong điều kiện an toàn nhất... Chưa kể, cơ sở vật chất tại điểm trường này còn nhiều thiếu thốn, nhất là khu vực nhà vệ sinh. Tại đây, đại diện Báo SGGP đã trao biển hỗ trợ 100 triệu đồng của Chương trình "Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường" để nhà trường có điều kiện đầu tư, phòng sạt lở sau này.

Tô mậu.jpg
Đại diện Báo SGGP đã trao biển hỗ trợ 100 triệu đồng của Chương trình "Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường" cho điểm Trường Mầm non xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, Yên Bái

Những phần tiền hỗ trợ dành cho các em học sinh nơi đây của bạn đọc báo SGGP dường như cũng góp phần làm vơi đi sự mất mát mà các em đang phải gánh chịu cho cơn lũ dữ gây ra…

>>> Chùm ảnh Báo SGGP trao hỗ trợ cho người dân, học sinh, giáo viên và các trường học bị thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua tại Yên Bái, Lào Cai

1.jpg
5.jpg
6.jpg
11.jpg
18.jpg
1.jpg
13.jpg
20.jpg
9.jpg
8.jpg

Tin cùng chuyên mục