Mưa ngớt nhưng nước lụt không chịu rút
Từ ngày 23-8, sau một đêm mưa, một phần xã Quang Vinh bỗng trở thành một hồ chứa nước. Đến ngày 27-8, nhiều ngôi nhà ở đây vẫn ngập ngang lưng, thậm chí có nơi nước vẫn ngập đến nóc.
Theo ông Trung Văn Bào, Chủ tịch UBND xã Quang Vinh, hiện có 58 hộ dân bị ngập lụt nghiêm trọng. Đây là một địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với 100% dân số là người Nùng và Mông, sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp (trồng bắp bán để mua gạo).
Trận lũ đã gây thiệt hại nặng nề, nhấn chìm 56ha đất canh tác, trong đó có 35ha bắp - nguồn thu nhập chính của người dân. Toàn bộ đồ đạc, lương thực của các hộ gia đình đến nay đã bị hư hỏng nặng và vẫn còn đang chìm sâu trong nước lũ.
Ông Bào cho biết, việc tiếp cận và cứu trợ người dân gặp rất nhiều khó khăn, khi các phương tiện phải di chuyển qua ba chặng đường gồm đi thuyền và đi bộ hơn hai tiếng đồng hồ mới đến nơi.
Đến chiều 27-8, xóm Bó Khôn của xã Quang Vinh vẫn bị ngập rất nặng, lực lượng cứu trợ không thể đi vào vì thiếu phương tiện.
Khai giảng sắp đến, học sinh phải chờ nước rút mới được đến lớp
Mưa lũ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn gây ra những trở ngại cho các trường học tại xã này. Ba ngôi trường, gồm Trường Mầm non Quang Vinh, Trường Tiểu học Quang Vinh và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quang Vinh - Lưu Ngọc, hiện đều bị ngập sâu trong nước từ 1-3,5m.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Vinh, cô Hà Thị Cúc, cho biết năm học 2024 - 2025, trường dự kiến đón 62 học sinh từ lớp nhà trẻ đến lớp 5 tuổi. Trước khi mưa lũ xảy ra, nhà trường đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất và chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới. Tuy nhiên, đợt mưa lũ bất ngờ này đã khiến toàn bộ cơ sở vật chất ở tầng 1 của trường (bao gồm các phòng học, nhà đa năng, và ký túc xá) bị ngập sâu trong nước. Hơn 2 tấn gạo để nuôi học sinh bán trú tại Trường Tiểu học Quang Vinh và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quang Vinh - Lưu Ngọc đã bị chìm trong nước.
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, không chỉ ở xã Quang Vinh, tình trạng ngập lụt và sạt lở đất còn ảnh hưởng đến nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, có 4/26 trường THPT bị ngập lụt. Trong đó Trường THPT Canh Tân (huyện Thạch An) bị sạt lở và ngập lụt, nhiều đoạn đường bị cắt đứt; Trường THPT Đàm Quang Trung (huyện Hà Quảng) bị thấm dột, hư hại trang thiết bị; Trường THPT Hòa An (huyện Hòa An) bị đổ 20m tường rào và Trường THPT Thông Huề (huyện Trùng Khánh) bị lũ tràn vào khu nhà công vụ.
Một số trường tiểu học, THCS ở các huyện khác của tỉnh cũng đang gặp một số sự cố như sạt lở, đổ tường rào, thấm dột và hư hại cơ sở vật chất, gây ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho năm học mới.
Tại xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sau 5 ngày tìm kiếm, đến sáng 27-8, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của hai nạn nhân bị lũ cuốn vào đêm 23-8.
Hai người xấu số được xác định là ông Vi Văn Thanh và anh Dương Văn Thông, đều trú tại xóm Cả Poóc, xã Mã Ba, đã gặp nạn khi trở về từ một đám cưới ở xã Quang Vinh. Đoạn đường liên xã Quang Vinh - Mã Ba ngập sâu đến 8m trong đêm tối, khiến các nạn nhân rơi xuống ruộng rồi bị lũ cuốn.