“Nước là biểu tượng cho sự sống và cái chết trong Mùa len trâu”

Đó là chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh tại buổi trình chiếu bộ phim Mùa len trâu và giao lưu với khán giả, hoạt động thuộc khuôn khổ LHP quốc tế TPHCM (HIFF) 2024 ngày 10-4.

2024 đánh dấu cột mốc 20 năm bộ phim đến với công chúng. Do đó, sự kiện cũng là cơ hội để khán giả giao lưu và chia sẻ cùng với đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.

mua len trau 1.JPG
Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh chia sẻ về quá trình sản xuất Mùa len trâu. Ảnh: THANH TRÚC

Mùa len trâu là một trong những tác phẩm ấn tượng của nền điện ảnh Việt Nam. Bộ phim giành được nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế và nhận được sự yêu mến, ủng hộ của đông đảo khán giả.

Phim được xây dựng dựa trên tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam với nội dung kể về hành trình đi len trâu và cuộc rong ruổi khắp miền sông nước của chàng thanh niên trẻ tên Kìm. Xen lẫn với đó là sự gợi nhắc về tình nghĩa, tình cảm gia đình và những yếu tố về con người, văn hóa và cảnh quan vùng Tây Nam bộ.

Theo chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, nhà văn Sơn Nam với tập truyện Hương rừng Cà Mau đã có đóng góp rất quan trọng trong sự thành công của bộ phim. “Nhà văn Sơn Nam lớn lên trong miền sông nước nên ông trải nghiệm nhiều, thấm nhuần lối sống, phong tục và thấu hiểu con người nơi đây. Nếu không có tập truyện đó và những lần gặp gỡ, nói chuyện với tác giả thì tôi có lẽ sẽ không thể thực hiện được tác phẩm như thế.

mua len trau 2.jpg
Khán giả hào hứng tham gia buổi chiếu và giao lưu với đoàn phim. Ảnh: THANH TRÚC

Cảm xúc về quê hương, con người Việt Nam luôn ở trong tôi nhưng để làm được một bộ phim hay, chỉn chu cần phải nghiên cứu và tìm hiểu thêm rất nhiều. Chính nhà văn Sơn Nam đã đọc lại kịch bản và đưa ra góp ý, chỉnh sửa thêm một số chi tiết, lời thoại cho tôi”, đạo diễn bộc bạch.

Khi được hỏi về ý nghĩa cho sự xuất hiện nhiều lần của yếu tố nước trong phim Mùa len trâu, đạo diễn Nghiêm Minh bày tỏ, mùa nước nổi là đặc trưng của miền Tây Nam bộ và hình ảnh nước bao phủ khắp cánh đồng, ruộng vườn mênh mông như thế đã khắc sâu vào tâm trí của ông, gợi lên cho ông nhiều suy tưởng.

“Tôi cảm nhận trong cái nước đó có những cây cỏ trôi dạt. Xác chết của những con trâu không có đất để chôn cũng bị người dân vùi dập trong nước. Lúc bấy giờ, nước như biểu trưng cho cái chết. Thế nhưng, nước cũng là biểu tượng cho mầm sống vì con người có thể đánh bắt tôm, cá và trồng lúa để sinh tồn.

Từ đó, tôi nhận thấy cái chết và sự sống đều hiện hữu trong nước. Khi quay phim, tôi luôn cố gắng canh chỉnh, dựng các góc máy để tạo ra được thước phim có thể truyền tải đúng ý nghĩa đó”, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh nói thêm.

mua len trau 3.jpg
Khán giả quốc tế giao lưu cùng đoàn phim. Ảnh: THANH TRÚC

Tác phẩm được thực hiện vào thời điểm chưa có sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ quay phim, máy móc hiện đại nên đoàn phim cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quay, dựng và hậu kỳ.

“Tôi quay bộ phim này trong vòng 10 tuần và việc lựa chọn, chỉnh sửa các góc máy, khung hình rất tốn thời gian. Vì thời đó, máy dùng quay phim không nhạy như các máy hiện nay. Do đó, để thể hiện được ánh sáng, màu sắc tương phản trong phim và hình ảnh lam lũ, làn da cháy nắng của những người thanh niên trẻ đi chăn trâu, chúng tôi đã phải dùng số lượng lớn đèn để mang đến cảnh phim chân thực và trọn vẹn nhất”, đạo diễn chia sẻ.

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh chia sẻ về quá trình thực hiện phim. Video: THANH TRÚC

Với sự kết hợp hài hòa của màu sắc, âm thanh, ánh sáng; diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên và sự sáng tạo, tâm huyết của đạo diễn Nghiêm minh, Mùa len trâu không chỉ khắc họa bức tranh cuộc sống miền quê mùa nước nổi. Hơn hết chính là vẻ đẹp sinh tồn của con người khi họ chinh phục và kiên cường chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Tin cùng chuyên mục