Theo nội dung công điện số 13 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, vào hồi 15 giờ chiều 1-10, mực nước trên hai hồ thủy điện lớn ở miền Bắc là hồ Sơn La và hồ Thác Bà (chưa mở cửa xả lũ) ở mức cao.
Cụ thể, mực nước trên hồ thủy điện Sơn La đã lên tới cao trình 216,27m (tức là vượt trên mực nước dâng bình thường là 1,27m), lưu lượng nước lũ đổ về hồ là 4.112m³/giây, tổng lưu lượng xả là 2.601m³/giây (lưu lượng chạy máy phát điện).
Theo quy định về vận hành hồ chứa thủy điện thì khi nước lũ vượt cao trình 215m, hồ Sơn La phải xả lũ.
Tại hồ Thác Bà, mực nước vào 15 giờ chiều 1-10 ở cao trình 58,08m (trên mực nước dâng bình thường 0,08m); lưu lượng nước lũ đến hồ là 721m³/giây, tổng lưu lượng xả chỉ có 402m³/giây (lưu lượng chạy máy phát điện).
Trong khi đó, từ 8 giờ sáng 30-9, hồ thủy điện Hòa Bình (ở bậc thang thứ nhất trên sông Đà) đã phải mở 1 cửa xả đáy. Từ chiều 30-9 đến ngày 1-10, mực nước lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đã lên rõ rệt.
Trước tình hình các hồ chứa vượt mức nước dâng bình thường, chiều 1-10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công điện số 13 do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài ký, lệnh 2 giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La và Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, mỗi nhà máy phải mở 1 cửa xả đáy, bắt đầu từ 16 giờ chiều 1-10.
Theo đó, yêu cầu thủy điện Thác Bà đưa mực nước ở thượng lưu hồ về cao trình không quá +58m.
“Riêng Công ty Thủy điện Hòa Bình vẫn tiếp tục duy trì 1 cửa xả đáy và sẵn sàng mở thêm cửa xả thứ 2 khi có lệnh”- công điện nêu rõ.
Cùng ngày, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công văn gửi các địa phương nằm ở hạ du các hồ thủy điện triển khai các phương án phòng chống lũ, thông báo cho người dân được biết về tình hình xả lũ.