Bước đầu dự án cho kết quả khả quan nhưng ngày 9-7, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã xả khoảng 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, nơi có khu thí điểm làm sạch, cuốn trôi toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các thiết bị kích hoạt trong gần 2 tháng qua.
“Gần như chúng tôi phải làm lại từ đầu và cần tối thiểu trên 1 tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi. Đến lúc đó, việc lấy mẫu đánh giá mới có thể chính xác, khách quan...”- TS Tadashi Yamamura nêu rõ và cho biết thêm, nếu thực hiện dự án trên cả dòng sông Tô Lịch, từ đầu nguồn phía bên kia đường Hoàng Quốc Việt đến cả dòng sông thì hệ vi sinh vật có lợi được kích hoạt liên tục. Càng có dòng chảy, hệ vi sinh vật này càng dễ khuếch tán và có tác dụng phân giải chất ô nhiễm.
Trao đổi với báo chí, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng, việc xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch là vận hành theo quy trình hệ thống thoát nước của TP Hà Nội. Lượng mưa lớn khiến nước hồ Tây dâng cao, đạt ngưỡng mức nước tối đa nên bắt buộc phải xả ra để đảm bảo an toàn và chống ngập. Đây là quy trình vận hành hàng năm. Năm nào có trận mưa lớn theo mực nước khống chế, Hà Nội cũng xả nước hồ Tây để điều tiết phòng chống ngập...
Công ty khẳng định trước khi xả nước hồ Tây, đã có thông báo cho các đơn vị liên quan tới việc thử nghiệm làm sạch nước sông Tô Lịch. Việc xử lý ô nhiễm môi trường rất quan trọng nhưng đảm bảo phòng chống úng ngập cũng là nhiệm vụ quan trọng nên không thể chỉ tập trung một việc.
Ngày 16-5, được sự giúp đỡ của chuyên gia Nhật Bản, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch 300m bằng công nghệ Nano- Bioreactor, đoạn từ ngã tư Bưởi- Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy. Thời gian thí điểm dự kiến kéo dài đến ngày 17-7.
Công nghệ Nano-Bioreactor gồm 2 yếu tố là máy sục khí Nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.