Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ đề nghị bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường cao, đồng thời sửa đổi danh mục hàng hóa chịu thuế (thuốc lá, rượu, bia, ô tô dưới 24 chỗ, điều hòa không khí...).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh

Trình bày tờ trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng nay, 22-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, luật này hướng đến mục tiêu hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu.

Theo đó, dự thảo bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có hàm lượng trên 5g/100ml, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia..., bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Dự thảo luật có 4 chương và 12 điều (bao gồm các quy định chung; căn cứ tính thuế; hoàn/khấu trừ thuế và điều khoản thi hành).

Trong đó, về đối tượng chịu thuế, Chính phủ đề nghị bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường cao, đồng thời sửa đổi danh mục hàng hóa chịu thuế (thuốc lá, rượu, bia, ô tô dưới 24 chỗ, điều hòa không khí...). Về căn cứ tính thuế và giá tính thuế, dự thảo đã bổ sung quy định về giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, kinh doanh đặc biệt (golf, karaoke, xổ số...).

Đặc biệt, về thuế suất, dự thảo quy định tăng thuế theo lộ trình đối với thuốc lá, rượu, bia từ giai đoạn năm 2026-2030 để giảm tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; bổ sung thuế suất 10% với nước giải khát có đường.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhận định, dự thảo Luật đã bám sát 7 nhóm chính sách Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, đồng thời luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định trong thời gian dài tại các văn bản dưới luật.

Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đồng tình áp dụng thuế suất 10% với nước giải khát có hàm lượng trên 5g/100ml, nhưng một số ý kiến cho rằng mức này vẫn quá thấp, không đủ để thay đổi hành vi tiêu dùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh

Về đối tượng chịu thuế là nước giải khát có đường, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đồng tình, nhưng đề nghị làm rõ hơn khái niệm “theo tiêu chuẩn Việt Nam” để tránh khó khăn khi thực hiện với hàng nhập khẩu. Các ý kiến cũng đồng ý áp dụng thuế suất 10%, nhưng một số ý kiến cho rằng mức này vẫn quá thấp, không đủ để thay đổi hành vi tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần đánh giá kỹ tác động của quy định này đối với doanh nghiệp và các ngành công nghiệp phụ trợ. Mặt khác, chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường là chưa toàn diện; cần xem xét các giải pháp khác như tăng cường truyền thông về dinh dưỡng.

Đối với thuốc lá, đa số ý kiến tán thành phương án tăng thuế tuyệt đối theo lộ trình, phù hợp với cải cách thuế quốc tế và định hướng giảm tiêu dùng.

Với mặt hàng ô tô, cơ quan thẩm tra tán thành giảm thuế suất cho xe thân thiện với môi trường và đề nghị xem xét mức thuế hợp lý hơn với xe pick-up cabin kép để tránh tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp nhỏ.

Về đề xuất giao thẩm quyền cho Chính phủ, cơ quan thẩm tra đề nghị không giao quyền bổ sung đối tượng chịu thuế cho Chính phủ. “Nếu cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét”, ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục