Muốn có ưu thế trong thương lượng
Cùng với tuyên bố trên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani để ngỏ khả năng tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) nếu các bên còn lại tiếp tục tuân thủ. Iran từng tuyên bố sẽ làm giàu uranium ở cấp độ trên 3,67% nếu các nước châu Âu không cứu vãn được thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới. Trước đó, Iran xác nhận đã vượt giới hạn 300 kg dự trữ uranium làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân trên.
Các động thái trên của Iran diễn ra sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chính quyền Tehran. Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran ký kết với nhóm P5+1, Iran chỉ được phép làm giàu uranium ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Bên cạnh đó, Tehran được phép sản xuất uranium có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg.
Nhận định về hành động của Iran, theo tờ Foreign Policy, việc vượt giới hạn kho uranium chỉ là một động thái mang tính biểu tượng của Iran hơn là một bước đi hướng tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Mặc dù có ý kiến cho rằng Iran có đủ năng lực để cuối cùng đi đến chế tạo một vũ khí hạt nhân, nhưng theo ông Kelsey Davenport, Giám đốc Chính sách cấm phổ biến hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA), đây là động thái có tính toán, được đưa ra nhằm giành lại ưu thế trong thương lượng với châu Âu, Nga và Trung Quốc về nới lỏng trừng phạt. Thỏa thuận hạt nhân đặt ra giới hạn làm giàu urani của Iran là 3,67% tinh khiết - được gọi là “uranium làm giàu thấp”, chỉ thích hợp để làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện. Khối lượng uranium loại này Iran được phép sản xuất là 300kg. Nhưng vẫn cần một loạt bước đi cần thiết nữa thì Iran mới có thể chế tạo được một quả bom hạt nhân.
Duy trì sức ép tối đa
Phản ứng trước hành động của Iran, Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp và Đức đồng loạt bày tỏ quan ngại vì kho dự trữ uranium được làm giàu ở cấp độ thấp của nước này đã vượt mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ngoại trưởng 3 nước thuộc EU kêu gọi Iran đảo ngược bước đi này và kiềm chế, không đưa thêm các biện pháp làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân.
Trong khi đó, hành động của Iran đã khiến Mỹ và đồng minh là Israel đồng loạt lên tiếng cho biết sẽ đáp trả cứng rắn. Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết Mỹ sẽ duy trì sức ép tối đa đối với Iran cho tới khi các nhà lãnh đạo của quốc gia này thay đổi tiến trình hành động. Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz cho biết nước này chuẩn bị sẵn sàng can dự bằng quân sự cho bất kỳ nguy cơ leo thang đối đầu tại vùng Vịnh giữa Mỹ và Iran. Phát biểu tại một cuộc hội thảo về an ninh tại Herzliya, Ngoại trưởng Katz lưu ý cần phải tính đến các tính toán của Iran có thể dẫn đến thay đổi từ “vùng xám” sang “vùng đỏ” - nghĩa là một cuộc xung đột quân sự.
Trước đó, Ngoại trưởng Katz dự báo cuộc chiến kinh tế do Mỹ dẫn đầu với Iran sẽ thành công bất chấp sự e ngại của các cường quốc thế giới khác. Ông Katz cho rằng Iran không có cơ hội trong cuộc chiến này, do đó có khả năng ngăn chặn chiến tranh thông qua gây sức ép mạnh mẽ về kinh tế và các biện pháp trừng phạt toàn diện, đạt được mục đích mà không cần phát động chiến tranh.