Ngày 21-12, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) công bố kết quả phân tích mẫu nguyên nhân nước biển đổi màu ở Quảng Ngãi.
Theo kết quả phân tích 12 mẫu nước biển và trầm tích do Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi khảo sát, lấy mẫu hồi đầu tháng 12-2019 tại khu vực biển Khe 2, thôn Trung An và thôn Hải Ninh (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thì có 5/10 mẫu nước biển ven bờ có thông số tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt từ 1,2 đến 9 lần.
Số lượng lớn các loài tảo Silic trong các mẫu thực vật đáy (phytoplankton) lên đến hơn 420.700 tế bào/lít nước biển, trong đó loài Asterionellosis glacialis có mật độ cao nhất, lên đến 304.213 tế bào/lít. 10/10 mẫu nước biển ven bờ có thông số tổng hợp hợp chất Lignin, Tanin với hàm lượng trung bình là 0,88ml/lít, thấp nhất là 0,22ml/lít, cao nhất là 1,74ml/lít. Tổng cục Môi trường nhận định, nước biển đổi màu là do sự xuất hiện của các loài tảo Silic với mật độ cao và hợp chất Lignin, Tanin.
Khi loài tảo Silic xuất hiện với mật độ cao sẽ làm thay đổi màu nước thành màu nâu hoặc xanh lục đậm và thường không gây hại cho đời sống thủy sinh. Đồng thời, hai hợp chất Lignin và Tanin xuất hiện tại vùng biển này đã gây ra hiện tượng đổi màu nước biển sang nâu hoặc đen. Hợp chất này thường phát sinh từ hoạt động liên quan đến chế biến gỗ, dăm gỗ, bột giấy từ dăm gỗ.
Trong khi đó tại khu vực cảng Hào Hưng thuộc Công ty TNHH MTV Hào Hưng cũng phát hiện nước biển màu đen, khu vực này sau cơn bão số 5,6 nước mưa thấm từ bãi dăm gỗ chảy tràn ra môi trường biển. Hiện Tổng cục Môi trường tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc.