Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước tại sông Tiền tại Tân Châu đạt mực 2,33m, trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt 1,95m, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 0,2 – 0,3 m.
Dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên cao và đạt mức cao nhất tuần vào ngày 26 và 27-7: Tại Tân Châu là 2,9m, tại Châu Đốc là 2,45m, cao hơn cùng kỳ nhiều năm là 0,5m. Đây được xem là một tín hiệu lạc quan cho những người dân ở ĐBSCL đang ngóng con nước từ sông Mê Công đổ về.
Trong khi đó, những cư dân ở vùng ven biển các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang… năm nay thở phào khi không phải đối diện với hạn mặn khốc liệt như mùa khô năm 2016. Những cơn mưa liên tục, lượng nước từ sông Mê Công đổ về cao hơn những năm trước đã đẩy lùi nỗi lo hạn – mặn của cư dân đất Chín Rồng.
Mấy ngày nay, ông Phạm Út ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng tháp theo dõi sát sao mực nước trên sông. Thường Phước 1 là một trong những xã nằm tiếp giáp biên giới với Campuchia. Năm nay đã 70 tuổi, ông Phạm Út nhận ra đất sản xuất lúa 3 vụ/năm bị bạc màu. Chính vì vậy, ông bỏ đất trống không làm lúa vụ 3, để chuẩn bị xả lũ đón con nước vào khu vực đê bao khép kín theo chủ trương của huyện Hồng Ngự.
“Nhiều năm rồi đê bao khép kín, nông dân làm lúa vụ ba riết năng suất lúa cũng giảm, tốn nhiều chi phí. Chắc đất đã bạc màu. Nguồn thủy sản cũng cạn kiệt, nghề đánh bắt cũng không còn sôi động như xưa. Chính vì vậy, tôi mong chuyện xả lũ năm nay sẽ có tạo ra điều gì đó tốt đẹp hơn” – lão nông Phạm Út tâm sự.
Một thời, nông dân miền Tây phải cật lực tìm cách để “chung sống với lũ”. Trong đó lo nhất là chỗ định cư. Chính phủ đã có nhiều chính sách như cho vay tiền tôn nền nhà vượt lũ, rồi nhà trên cọc và hiện nay là các cụm, tuyến dân cư gắn với các đề án kinh tế khai thác mùa nước nổi dần ổn định cuộc sống người dân. Các đê bao khép kín cũng lần lượt được xây dựng để giúp nông dân bảo vệ lúa khi lũ về. Thế nhưng nước từ sông Mê Công cứ giảm dần, nhiều năm ĐBSCL không còn mùa nước nổi. Kéo theo nguồn thủy sản giảm mạnh, nghề đánh bắt thủy sản cũng thất thu; các nghề truyền thống như đan lưới, làm ghe xuồng… cũng thưa dần.
Mấy ngày nay, ông Phạm Út cứ ra mé sông để xem con nước. Chắc ông cũng như nhiều người dân ĐBSCL luôn lo lắng về tình trạng các nước trên sông Mê Công liên tiếp đua nhau xây dựng các đập thủy điện gây ra những tác động khó lường cho vùng hạ lưu ĐBSCL.
Những thông tin đầu tiên, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 m vào cuối tháng 7-2017 đã tạo ra tín hiệu “mùa nước nổi sẽ đẹp hơn”.
Các địa phương tận dụng xả lũ, rửa trôi các chất tồn dư bảo vệ thực vật, nguồn lợi thủy sản sẽ gia tăng, nhiều người sẽ có kế mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Và khi “mùa nước nổi đẹp hơn” cũng là cơ hội để các địa phương tích trữ nước ngọt cân bằng cung cấp lại cho mùa hạn – mặn trong vùng.
Những ngày qua, người dân đã bắt đầu đánh bắt các mẻ cá linh đầu mùa. Cùng lúc này điên điển trổ bông đã tạo ra món đặc sản, khoái khẩu mùa nước nổi cá linh kho lạc, kèm bông điên điển.
Câu chuyện ngóng mùa nước nỗi của ông Phạm Út ở Thường Phước – Hồng Ngự không chỉ mở ra sinh kế đánh bắt cá mà còn tạo ra không gian du lịch lý tưởng cho mùa nước nổi.