Nhận định được đưa ra trong bối cảnh GDP của Anh dự kiến có mức giảm 0,3% trong quý 3-2022. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 vừa qua tại Anh ở mức 10,7%.
ONS cho rằng nguyên nhân chính khiến lạm phát vẫn ở mức cao là do giá năng lượng. Giá năng lượng đã tăng vọt tại châu Âu do xung đột tại Ukraine cùng với việc Moscow siết chặt nguồn cung khí đốt sang châu lục này. Giá cả leo thang đã tác động nghiêm trọng tới người dân và doanh nghiệp tại Anh. Đồng bảng Anh giảm giá khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, lạm phát trầm trọng nhưng lại không thể thúc đẩy xuất khẩu, ngay cả khi các khu vực khác trên thế giới chứng kiến sự bùng nổ thương mại sau đại dịch Covid-19. Nhà kinh tế học Gabriella Dickens (Công ty Tư vấn Pantheon Macroeconomics, Mỹ) cảnh báo, nền kinh tế Anh sẽ tiếp tục tụt hậu so với các thành viên G7. Anh sẽ phải trải qua cuộc suy thoái sâu nhất trong số các nền kinh tế phát triển vào năm 2023 do mức độ nghiêm trọng của những cơn gió ngược từ các chính sách tiền tệ và tài khóa.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo trong 2 năm tới, Anh sẽ là nền kinh tế tăng trưởng kém nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Cả hai tổ chức đều viện dẫn lạm phát cao và lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp Anh.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng với những diễn biến trên, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Anh phải duy trì lãi suất cao và chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak phải theo đuổi một chính sách tài khóa chặt chẽ hơn. Nếu các chính sách phát huy hiệu quả, nền kinh tế Anh có thể sớm lấy lại đà tăng trưởng vào cuối năm nay khi lạm phát giảm dần.