
Năng động nhưng thiếu vai trò quyết đoán
Sau khi rời EU, Anh thực sự năng động hơn trên trường quốc tế, để lại ấn tượng về “Nước Anh toàn cầu”. Quốc gia này tích cực triển khai ngoại giao chủ nhà như đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) tháng 6-2021; Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) về ứng phó với biến đổi khí hậu tháng 10-2021; đăng cai Hội nghị cấp cao toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo vào tháng 11-2023; tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo Cộng đồng chính trị châu Âu tháng 7-2024.
Anh cũng thực hiện chiến lược xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Năm 2021, Anh cùng với Mỹ và Australia tuyên bố thành lập Quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) nhằm chuyển giao công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, cũng như liên kết phát triển công nghệ tác chiến ở biển sâu; ký Hiệp định Hiroshima và Hiệp định Downing Street với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm mục đích tăng cường hợp tác song phương về quốc phòng, an ninh, kinh tế và công nghệ Anh - Nhật; nâng cấp quan hệ Anh - Hàn lên quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu.
Cựu Thủ tướng Boris Johnson trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của G7 đi thăm Kiev sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, tuyên bố kiên quyết viện trợ quân sự và dân sự cho Ukraine. Ngay sau khi lên cầm quyền, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer ký với Ukraine Hiệp định quan hệ đối tác 100 năm, tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài của London đối với Kiev. Nước này còn tăng cường can thiệp vào tình hình Trung Đông, không những công khai ủng hộ Israel trong cuộc xung đột Israel - Palestine, mà còn liên kết với Mỹ tấn công lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen, đồng thời mở rộng trừng phạt Iran.
Tuy nhiên, theo tạp chí Tri thức thế giới của Trung Quốc, mặc dù Anh thường xuyên xuất hiện, nhưng do sức mạnh quốc gia chưa đủ lực nên không thể phát huy vai trò mang tính quyết định, khó khăn trong kiểm soát được tình hình. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Mỹ có vai trò quyết định. Còn tại Hội nghị thượng đỉnh về ứng phó với biến đổi khí hậu của LHQ và Hội nghị cấp cao trí tuệ nhân tạo toàn cầu, Trung Quốc và Mỹ lại có vai trò chủ đạo. Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo cộng đồng chính trị châu Âu, Pháp lại xây dựng chương trình nghị sự.
Anh cũng không thể thay đổi xu hướng của cuộc khủng hoảng Ukraine. London viện trợ quy mô lớn cho Kiev từ khi cuộc khủng hoảng này bùng nổ năm 2022. Tuy nhiên, những khoản viện trợ này không những không phát huy vai trò quyết định trong bước ngoặt của cuộc chiến, mà còn làm tiêu hao sức mạnh quân sự của Anh. Hơn nữa, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh lại giảm, quy mô nợ công tiếp tục tăng và nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Do những lý do lịch sử và thực tế, Anh bị trói buộc vào “cỗ xe chiến tranh” của Mỹ, dẫn đến sức mạnh tổng hợp của Anh suy yếu thêm.
Mở rộng hợp tác kinh tế
Sau Brexit, Anh cũng hoạt động năng nổ trên vũ đài kinh tế toàn cầu và thu hút được nhiều sự quan tâm. Trong lĩnh vực thương mại song phương, Anh ký kết một loạt hiệp định như: Hiệp định thương mại tự do lần lượt vào năm 2021 và 2022 với Australia và New Zealand; Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản; Hiệp định thương mại tự do trong lĩnh vực kỹ thuật số với Singapore và Ukraine.
Tuy nhiên, Anh vẫn chưa ký Hiệp định thương mại tự do với 2 đối tác quan trọng nhất trong thương mại toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc. Về cơ chế thương mại đa phương, năm 2024, Anh gia nhập thành công Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trở thành thành viên châu Âu đầu tiên trong cơ chế này. Trong lĩnh vực tài chính, theo bảng xếp hạng về Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu, London vẫn giữ vị trí thứ 2 trong nhiều năm sau Brexit, trên các đối thủ cạnh tranh hàng đầu ở châu Âu như Paris, Frankfurt…
Khi cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi EU năm 2016, số lượng người nhập cư từ EU lên đến mức cao kỷ lục là 530.000 người. Sau Brexit, con số này nhanh chóng giảm mạnh xuống còn 100.000 người. Để tăng hội nhập, Anh tập trung thiết lập hệ thống nhập cư mới nhằm thu hút nhân tài trên toàn thế giới đến nước này làm việc và định cư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ số, công nghệ lượng tử, khoa học đời sống, văn hóa nghệ thuật.
Sau 5 năm, tuy đã có được thành quả nhất định nhưng nước Anh vẫn không thể xem nhẹ vấn đề còn tồn tại. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Anh, trong 3 năm kể từ khi triển khai chương trình “Nhân tài toàn cầu”, chỉ có 5.000 nhân tài phù hợp với tiêu chuẩn nộp đơn xin thị thực vào nước này, thấp hơn nhiều so với số lượng dự kiến.