Ngày 26-11, hàng nghìn du khách mắc kẹt tại đảo Bali của Indonesia, sau khi các chuyến bay bị hủy do núi lửa Agung trên đảo này đã phun hàng nghìn mét khối khói bụi vào không trung.
Đây là lần thứ 2 trong tuần này núi lửa Agung phun.
Khách du lịch chụp ảnh khi núi lửa Agung phun trào tại đền Besakih ở Karangasem, Bali, Indonesia ngày 26-11-2017. Ảnh: REUTERS
Cột khói bụi cao tới 4.000m lên không trung từ núi lửa Agung được nhìn thấy từ làng Rendang, Karangasem, bali, Indonesia ngày 26-11-2017. Ảnh: REUTERS
Trong ngày 25-11, núi lửa Agung đã nhả cột khói bụi cao tới 4.000m lên không trung, làm gián đoạn ít nhất 28 chuyến bay đến đảo Bali.
Người phát ngôn của sân bay Ngurah Rai của Bali cho hay sân bay vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên quyết định hoãn chuyến hoặc chuyển hướng chuyến bay là tùy thuộc từng hãng hàng không.
Du khách xem thông tin chuyến bay tại sân bay Ngurah Rai, Bali, Indonesia ngày 25-11-2017. ảnh: REUTERS
Sân bay Ngurah Rai đã hỗ trợ những khách hàng bị ảnh hưởng bằng cách cung cấp các phòng đặc biệt để hành khách nghỉ ngơi và sắp xếp hành lý. Ít nhất 2.000 khách du lịch đã bị ảnh hưởng bởi vụ việc này, chủ yếu là du khách đến từ Australia.
Người dân địa phương nhìn núi lửa phun trào từ làng Rendang, Karangasem, bali, Indonesia ngày 26-11-2017. Ảnh: REUTERS
Núi lửa Agung đã phun trào ít nhất 2 lần trong tuần này. Ảnh chụp ngày 25-11-2017. Ảnh: REUTERS
Người dân Bali đi bộ tại đền Besakih ở Karangasem, Bali, Indonesia, phía sau là núi lửa Agung phun trào, ngày 26-11-2017. Ảnh: REUTERS
Núi lửa Agung được nhìn thấy phun trào từ làng Glumpang, Karangasem, Bali, Indonesia ngày 26-11-2017. Ảnh: REUTERS
Núi lửa Agung từng nhiều lần phun trào trong các năm 1963 và 1964, cướp đi sinh mạng của hơn 1.600 người và khiến hàng trăm người bị thương.
Núi lửa này đã có dấu hiệu phun trào trở lại vào tháng 9-2017 khiến nhà chức trách phải đưa ra mức cảnh báo cao nhất và sơ tán 140.000 người dân sinh sống trong khu vực núi Agung, song sau đó lệnh cảnh báo đã được gỡ bỏ và người dân trở được về nhà ở. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn khoảng 30.000 người trong số đó đã đổi chỗ ở.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo vỏ Trái Đất tiếp xúc kéo theo nhiều hoạt động địa chấn tại đây. Tại quốc đảo này có gần 130 núi lửa đang hoạt động. Năm 2010, núi lửa Merapi thuộc đảo Java, được xem là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động nguy hiểm nhất thế giới, phun trào khiến hơn 300 người thiệt mạng và khiến 280.000 người sơ tán.