Núi Hoa

Đám mây mọng nước kéo về từ bên kia thảo nguyên, chùng chình đi một vòng quanh núi Hoa rồi dừng lại. Mùa mưa bắt đầu. 
Núi Hoa
Bây giờ mới tháng 3, năm nay mùa mưa đến sớm hơn mọi năm. Nhà May ở ngay dưới chân núi Hoa. Căn nhà nhỏ lợp tranh nhìn từ xa như một lưỡi rìu màu xám cắm vào vách núi xanh thẫm. Đã từ lâu lắm, cha con May không về làng. Những đêm mùa đông trên núi rất lạnh, cha ôm May vào lòng, khuôn mặt trầm ngâm:
- Ừ, ngày xưa ta ở với làng đấy…
May nghe câu ấy đến quen, cũng chưa lần nào hỏi lại. May không biết vì sao cha lại bỏ làng lên núi ở. Với May, chỉ có núi Hoa nơi cha con May đang sống là đẹp nhất thôi. Nhìn những đường nhăn hằn sâu trên mặt cha, May lờ mờ thấy một nỗi buồn không dễ nói thành lời. 
Cha kể: Ngày cha con mình lên núi Hoa, chỉ mang theo cái rựa, cái xà gạc, mấy bộ quần áo, ngoài ra không có gì. May mà năm ấy, có một con nghé lạc bầy lên núi. Cha mừng rỡ cảm tạ các Yàng đã nhìn thấy nỗi cô đơn của mình. Con nghé ở lại với cha con May. Từ đấy, May có thêm bạn. Càng ngày lông nó càng mượt mà, đôi mũi bóng hồng thơm mùi cỏ mật. Thấm thoắt, đến bây giờ đã có một đàn trâu đông đúc. 
May đã lớn. Cha cũng già rồi, mái tóc đã bạc bồng bềnh. Buổi sáng, May soi bóng mình dưới mặt nước giếng phẳng lặng dưới chân núi. Cô gái dưới lòng giếng nhoẻn miệng cười, đôi mắt trong veo lẫn vào nước giếng xanh biếc. Ở phía bên kia núi còn có một ngôi nhà nữa. Đàn trâu bên ấy đông hơn, có hai anh em thay phiên nhau đi lùa trâu. Cậu anh tên là Y Raih, thỉnh thoảng vẫn thường sang chơi. Y Raih so sánh:
- Nhà May còn có người biết giã gạo, ủ men rượu, còn nhà tôi chỉ toàn là đàn ông không thôi.
- Thì lúc nào cần May sẽ sang ủ men cho Y Raih, đổi lại, Y Raih đi lùa trâu cho May được không?
Núi Hoa như một cái phễu khổng lồ dựng lên giữa thảo nguyên mênh mông. Mùa dã quỳ, bốn bề vàng ngây ngất. Mùi hương hăng hắc quyện vào gió, lang thang. May chọn những bông dã quỳ to nhất ngồi kết vòng thật đẹp đội lên đầu. Buổi sáng, lũ trâu ngoan hiền gặm cỏ. May kết được những ba vòng, vòng dành cho cha, vòng cho mình vòng để dành cho mẹ. May muốn kết thêm một vòng nữa cho Raih nhưng lưỡng lự không biết Raih có thích không, mà con trai ai lại đội vòng hoa, kỳ lắm. Không ngờ, Raih đã đứng sau lưng từ bao giờ, gật gật đầu: Đẹp lắm, miệng nói mà mắt thì như có lửa. Đêm ấy về, May đã biết nhớ. Tự dưng, May thấy yêu mảnh đất núi Hoa này lạ lùng.
Một hôm, có người đàn ông lạ hoắc từ đâu đến tìm gặp cha. Nhìn bộ dạng, May đoán hai người đã từng quen biết nhau chắc đâu từ lâu lắm. Người lạ nhìn May mấy lần, nhìn mà như đang đi tìm cái gì đấy đã mất. Đêm ấy, hai người đàn ông ngồi mãi bên bếp lửa, bát rượu chuyền đi chuyền lại. Họ cố nói nhỏ, không muốn cho May nghe thấy. May đoán câu chuyện có liên quan đến mình. 
- Tội nghiệp con bé…
- Nhưng mà bây giờ…
May nín thở lắng nghe, nhưng chỉ thấy tiếng thở dài và tiếng hớp rượu ừng ực. 
Sáng dậy, người đàn ông lạ dùng xong cơm sáng còn nán lại làm thêm bát rượu nữa mới chào ra về. Đến tận ngoài con đường xuống núi, ông ta vẫn còn ngoái nhìn lại bằng ánh mắt dùng dằng. 
- Cha nói cho con biết đi, có chuyện gì lâu nay cha giấu con phải không?
- Ta không giữ được con nữa rồi.
Người cha chậm rãi kể: Ngày đó, ở Plei Dam có một người phụ nữ sau khi sinh con bị băng huyết mà chết. Theo luật tục, đứa bé phải chôn theo mẹ nó. Nhìn hình hài còn đỏ hỏn khóc ngằn ngặt, không ai cầm lòng nổi, nhưng luật làng đã định thế rồi. Cha đứa bé lại đang đi đổi hàng tận dưới đồng bằng. Phải chôn nó đi thôi, không để nó sống được đâu, mọi người đều bảo thế. Nhưng có một người không nghĩ vậy, đấy là Dăp. Chứng kiến cái cảnh người mẹ nhợt nhạt tái dần rồi lịm đi, Dăp  như đứt từng khúc ruột. Chuyện kể ra thì dài, nhưng không cần kể thì cả Plei Dam này ai cũng biết, hai người đã từng yêu nhau. Chuyện đã mấy năm, hồi ấy, người trong làng ai cũng bảo: Thằng Dăp và con H’Vớt thương nhau thế, đẹp đôi quá rồi còn gì! Thế mà rồi không lấy được nhau. Cũng tại Dăp đi bộ đội xa nhà, không thường xuyên về thăm người yêu được. Không phải Dăp không biết viết cái thư cho người mình thương, nhưng mà Dăp nghĩ đến cuộc chiến đấu còn dai dẳng, không biết đến bao giờ mới quay về được. Tuổi xuân con gái như bông hoa Êđăp thắm thiết nở vào mùa xuân, biết thế nào mà bắt H’Vớt phải chờ! Thế nhưng H’Vớt vẫn chờ Dăp qua hai mùa rẫy. Mùa rẫy thứ ba thì H’Vớt bắt chồng. Nhưng có chồng rồi mà H’Vớt vẫn một mình lẻ loi như cái cây đầu rẫy. Chồng H’Vớt theo bạn theo bầy đi làm ăn xa, bỏ nương rẫy cho một mình H’Vớt. Còn Dăp, sau một lần đối mặt quân thù, anh bị thương. Người chiến sĩ trẻ đành tạm biệt đồng đội quay về với buôn làng… 
Đêm ấy, Dăp không ngủ. Dăp đã quyết định rồi, chờ cho mọi người ngủ say, Dăp bế đứa bé quấn vào trong tấm áo của mình đem đi, mặc cho sau đó dân làng bàn tán mãi vẫn không biết ai đã bắt đứa bé. Chỉ một người biết chuyện, là già Ksơr Cil. Già nói: 
- Ta biết cái bụng mày thương con H’Vớt nhiều như nước sông Pa. Con hãy nuôi đứa bé này, coi như là món quà của Yàng ban tặng cho con đó. 
Hành trình đằng đẵng cho đến lúc hai người đặt chân đến núi Hoa. Dăp sẽ nuôi con của H’Vớt như chính con đẻ của mình, ai có quyền cấm Dăp? Thấm thoắt, thế mà đã mười bảy mùa mưa đi qua. 
- Người khách vừa ra về mới chính là cha đẻ của con đấy May à! 
Người cha nói to lên, ngoảnh lại đã không thấy May đứng đấy nữa. May chạy vào phản, úp mặt xuống bàn tay khóc như mưa tháng tám. Hóa ra, May là đứa bé mồ côi, hèn gì mà cha không bao giờ nhắc đến mẹ. Có thêm một người cha nữa, lẽ nào lại phải khóc? Không, May khóc vì thương cha, người đã cứu vớt cuộc đời cô trước khi người ta lấy cánh tay người chết đè ngang mũi theo đúng luật tục của Plei Dam. May nói trong tiếng nấc: 
- Con chỉ ở đây thôi, không có người cha nào nữa hết, từ nhỏ đến giờ, con chỉ có một mình cha đấy, cha ơi…
Nói thế chứ rồi cũng có ngày phải quay về, không phải về để bắt chồng, hay về để có thêm một người cha mà để tạ lỗi với các Yàng, để các Yàng nhận lại những đứa con của Plei Dam lưu lạc. 
Về thôi, về với làng cỏ xanh nước mát, ở đấy sẽ có thêm nhiều bạn, nhiều người nữa, tha hồ mà vui nhé - May nói dỗ đàn trâu mà như thể dỗ mình, rồi lại thấy ruột gan se sắt khi ngoảnh nhìn mái nhà như một cái lưỡi rìu màu xám cắm vào vách núi xanh thẫm nhạt nhòa. Nơi ấy, May từng sống những ngày tuổi nhỏ với những bông hoa vàng nở khi hết mùa mưa. Bây giờ, vừa đi xa mấy bước đã thấy nhớ lạ lùng. Cuộc đời còn ở phía trước. May phải về Plei Dam, phải đi thăm cái nhà mồ của mẹ, nhận lại bà con tộc họ. Nhưng sẽ có một ngày, May sẽ trở lại với núi Hoa, May tự hứa với mình như thế. 
Những cơn mưa thưa dần, rủ nhau đi về cuối thảo nguyên. Những bông hoa dã quỳ vàng rực rỡ vừa kịp nở sáng nay chìa những bàn tay nhỏ thắm thiết vẫy chào. Núi Hoa lại bắt đầu mùa hoa mới.

Tin cùng chuyên mục