Tiết kiệm ngân sách làm công viên
Chiều tối trung tuần tháng 6-2023, sau một ngày làm việc, bà Huỳnh Thị Nga (ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) cùng người thân thong dong thả bộ quanh Công viên Du lịch sinh thái Hóc Môn (xã Xuân Thới Sơn). Từ khi công viên được khánh thành vào giữa tháng 5-2023 đến nay, gần như chiều nào bà Nga cũng đi dạo, tập thể dục tại đây. Bà hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều công viên như vậy được xây dựng.
Được huyện Hóc Môn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm ngân sách, công viên có diện tích khoảng 6,14ha, gồm quảng trường, hội quán, khu ngắm cảnh, bể bơi, hệ thống cây xanh, vườn hoa đa dạng… Với việc kết hợp tổ chức mô hình chợ đêm, huyện Hóc Môn định hướng xây dựng công viên này thành điểm du lịch mới của huyện, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hóc Môn lần thứ XII. Đồng thời, khai thác có hiệu quả quỹ đất, tạo cơ sở để huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Không chỉ Công viên Du lịch sinh thái Hóc Môn, từ năm 2021 đến nay, huyện tập trung phát triển nhiều mảng xanh công cộng khác.
Cũng nỗ lực phát triển không gian công cộng, những năm qua quận 12 đã tập trung nguồn lực, kêu gọi sự chung tay của người dân để đầu tư phát triển công viên, mảng xanh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND quận 12 đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 12 lần thứ XI, trong đó giao mỗi phường thực hiện ít nhất một mảng xanh. Đến nay, 11/11 phường của quận đã đầu tư phát triển 41 mảng xanh. Ngoài ra, hàng năm quận 12 thực hiện chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với hàng ngàn cây xanh các loại được trồng mỗi năm.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM đã thông qua các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố, trong đó xác định tập trung phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Cùng với đó là tiếp tục phát triển xây dựng theo hướng đô thị xanh, văn minh, đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị; thực hiện các chương trình đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển mảng xanh đô thị, năng lượng xanh, giao thông xanh, tiến đến xây dựng hoàn thiện hạ tầng xanh.
Tạo mảng xanh trong khu dân cư
Là địa bàn không có nhiều công viên hiện hữu, để phát triển mảng xanh, TP Thủ Đức tập trung phát triển công viên trong khu dân cư. Chị Phạm Thị Bảo Thoa (ngụ đường Lê Hữu Kiều, phường Bình Trưng Tây) vừa trông cô con gái chơi xe tập đi, vừa ngó chừng cậu con trai đang chạy xe trượt trong công viên. “Từ ngày có Công viên Lê Hữu Kiều, người dân chúng tôi mừng lắm. Ngày trước, mấy đứa trẻ ở xóm tôi đi học về chỉ biết ở trong nhà xem ti vi hoặc ôm điện thoại, giờ thì tụi nhỏ có chỗ chạy nhảy nô đùa, còn người lớn tuổi có nơi thư thả tản bộ. Địa phương đã xây dựng công viên như vậy, người dân chúng tôi sẽ cùng nhau chăm sóc, giữ gìn”, chị Thoa chia sẻ.
Trẻ em vui đùa trong công viên khu dân cư nhà ở xã hội EHomeS Phú Hữu (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG |
TP Thủ Đức đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng mới 1 triệu cây xanh. Để tiếp tục phát triển mảng xanh, bên cạnh các phong trào trồng cây của các cơ quan, đoàn thể, TP Thủ Đức còn có nhiều giải pháp huy động sự tham gia của người dân. Tính đến nay, TP Thủ Đức đã phát triển 6 công viên, trồng được 751.351 cây xanh, cây kiểng các loại (đạt hơn 75% chỉ tiêu). Dự kiến, đến năm 2025, TP Thủ Đức phát triển khoảng 11 công viên để phục vụ người dân.
Năm 2019, tỷ lệ đất cây xanh ở quận 7 đã đạt 1,6m2/người. Dù cao hơn so với chỉ tiêu của TPHCM, song quận 7 vẫn nỗ lực phát triển thêm mảng xanh. Quận 7 đề ra mục tiêu đến năm 2025, chỉ tiêu đất cây xanh trên địa bàn quận đạt 2m2/người, tương đương tăng thêm khoảng 27,16ha. Để thực hiện mục tiêu trên, quận 7 đã tập trung rà soát nghĩa vụ của các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn, đề nghị chủ đầu tư khẩn trương đầu tư công viên cây xanh tại các dự án. Tại các khu đất trống do nhà nước đang quản lý, trong thời gian chưa đầu tư xây dựng, quận 7 giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7 và UBND các phường phát động trồng cây xanh kết hợp sân chơi cho thiếu nhi, góp phần tăng mảng xanh đô thị.
Theo Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái, đặc thù của quận có nhiều kênh rạch. Ở dọc hành lang phạm vi kênh rạch, quận giao trách nhiệm cho các phường tổng vệ sinh và chủ động trồng cây xanh với mục đích tăng mảng xanh, vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan chỉnh trang đô thị, chống lấn chiếm kênh rạch. Nhờ đó, đến thời điểm này, quận đã phát triển mảng xanh thêm 18,6ha (đạt hơn 68% chỉ tiêu nhiệm kỳ) với 22 công viên. Trong đó, nhiều công viên có diện tích lớn như Khu Công viên Ven Kênh Tẻ (phường Tân Hưng) rộng 25.000m2; công viên cây xanh một phần lô R11-R14-R17 (phường Tân Phong) rộng hơn 27.000m2; mảng xanh vườn hoa ở phường Tân Phú rộng hơn 18.000m2…
Đồng chí NGUYỄN HỮU HIỆP, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, TPHCM: Phát triển mảng xanh là mục tiêu trọng tâm
Bên cạnh triển khai đồng bộ hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng sống cho người dân, việc phát triển mảng xanh, tạo không gian cho người dân được TP Thủ Đức xác định là mục tiêu trọng tâm. TP Thủ Đức tận dụng các khoảng đất công đang trống trong khu dân cư để xây dựng các công viên phục vụ nhân dân. Nhờ đó, nhiều công viên cây xanh trong các khu dân cư đã hình thành, được trang bị thiết bị vui chơi giải trí, thể dục thể thao. TP Thủ Đức cũng tính toán phát triển các công viên trong khu dân cư theo hướng xã hội hóa, cho phép mở một số dịch vụ để phục vụ người dân và lấy kinh phí nhằm duy tu, bảo dưỡng công viên, cây xanh, trang thiết bị thể dục thể thao.
Đồng chí DƯƠNG HỒNG THẮNG, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn: Nỗ lực nâng cao chất lượng đời sống người dân
Trong bối cảnh đang thiếu công viên, mảng xanh, điểm vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho người dân, thời gian qua huyện Hóc Môn tập trung đầu tư phát triển công viên, mảng xanh, sân vận động, trường học.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Hóc Môn đã phát triển 8 công viên (với diện tích gần 137.000m2) và 25 mảng xanh (với diện tích hơn 16.000m3), trồng mới gần 28.000 cây xanh, cây kiểng các loại. Các công viên, mảng xanh được đưa vào sử dụng góp phần phát triển không gian cảnh quan xanh, sạch, đẹp; tạo không gian sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí, hưởng thụ môi trường sống trong lành của nhân dân. Việc hoàn thành các công trình cũng có ý nghĩa quan trọng góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.