Giải phóng tiềm năng về ĐMST
Theo bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam hiện tại được đánh giá có năng lực ĐMST xếp vào hạng cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển, xếp ở vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế; giữ vị trí thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7), Malaysia (thứ 36) và Thái Lan (thứ 43). Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (Startup Blink), hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022. Những thứ hạng trên thể hiện tiềm năng, sức bật của Việt Nam trong bối cảnh quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị đang diễn biến phức tạp trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, việc khai thác, vận dụng và ứng dụng sức mạnh của trí tuệ, mô hình kinh doanh, KH-CN để tạo ra giá trị gia tăng, giải quyết các thách thức, vấn đề của bản thân, cộng đồng và xã hội, cần trở thành kim chỉ nam cho hành động của cả quốc gia, dân tộc. Do đó, việc chung tay cùng xây dựng và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo theo hướng ĐMST đổi mới công nghệ, đẩy mạnh thương mại hóa, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ và tài sản trí tuệ, hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp KH-CN và ĐMST, phát triển hệ thống các trung tâm, mạng lưới ĐMST liên kết toàn cầu là những nhiệm vụ khó khăn, thách thức nhưng phải được thực hiện.
Nhấn mạnh ĐMST là trung tâm của phát triển bền vững, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho rằng, khi thế giới ngày càng phát triển và biến động, các giải pháp ĐMST càng trở nên cần thiết hơn. Chúng ta cần một môi trường thuận lợi để thúc đẩy ĐMST. Chìa khóa ở đây chính là một nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người. Một môi trường thuận lợi cho ĐMST cũng bao gồm việc trao quyền cho thanh niên. Cần thiết lập các nền tảng để thanh niên được nói lên tiếng nói của mình, hiện thực hóa các ý tưởng và sáng kiến của mình, để từ đó họ có thể đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trong thời gian tới, nhất là để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, ĐMST cần được thúc đẩy mạnh mẽ. Chúng ta cần bảo đảm cơ hội bình đẳng để tất cả mọi người có thể tham gia đóng góp; cần giải phóng tiềm năng to lớn của Việt Nam để có thể trở thành một trung tâm ĐMST.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch Công ty cổ phần IP Group, cho rằng, hiện nay, hoạt động ĐMST của các doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động; về lâu dài vẫn phụ thuộc nhà máy và cốt lõi công nghệ của các tập đoàn nước ngoài. Do đó, cần xem trọng vai trò của tài sản trí tuệ, yếu tố định hướng và quyết định hiệu quả ĐMST là bằng sáng chế. Đây là vấn đề cốt yếu để phát huy nội lực ĐMST của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
KH-CN và ĐMST đi trước một bước
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, vai trò của KH-CN và ĐMST được coi trọng, với quan điểm KH-CN và ĐMST là “nền tảng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Phát triển KH-CN và ĐMST thời gian tới cần tập trung để nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng với quan điểm ưu tiên cho phát triển các ngành, lĩnh vực có công nghệ và giá trị gia tăng cao. Ưu tiên đầu tư cho KH-CN và ĐMST đi trước một bước, yêu cầu tăng tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước (tính trên GDP) cho KH-CN và ĐMST. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia đứng đầu về tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này trong khu vực.
Từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần hình thành cho được hệ thống ĐMST quốc gia gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu trong các ngành có giá trị xuất khẩu và doanh thu lớn. Cần xây dựng và phát triển các nền tảng ĐMST mở, mạng lưới ĐMST mở. Phát huy mạnh mẽ vai trò của KH-CN và ĐMST trong doanh nghiệp, thực sự lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST; khuyến khích doanh nghiệp thành lập các trung tâm, viện nghiên cứu, trung tâm ĐMST. Rà soát, nâng cấp và đổi mới cơ chế vận hành hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm do nhà nước đầu tư.
Tại buổi làm việc với Bộ KH-CN nhân Ngày KH-CN Việt Nam 18-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Israel, Trung Quốc… đã rất thành công trong phát triển KH-CN và ĐMST, đó là động lực để chúng ta bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, trở thành những hình mẫu, “cánh chim đầu đàn”, quốc gia dẫn dắt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tại Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển KH-CN, ĐMST theo quan điểm “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ KH-CN, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy ĐMST, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Thủ tướng chỉ rõ: Cần nuôi dưỡng, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần KH-CN và ĐMST; cần đội ngũ thầy cô giỏi, có tinh thần và nhiệt huyết nghiên cứu; đội ngũ các nhà khoa học giỏi làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học; các kỹ sư, nhà công nghệ giỏi trong doanh nghiệp, các nhà quản lý khoa học giỏi để hoạch định các chính sách thúc đẩy phát triển KH-CN và ĐMST; phát huy hiệu quả nguồn lực các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; cần tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển. Để thực hiện Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là phát huy mạnh mẽ trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, lấy KH-CN và ĐMST làm động lực tăng trưởng chủ yếu.
* Ông VŨ VĂN TÍCH, Trưởng ban Khoa học - công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội: Sớm đưa kết quả hoạt động ĐMST vào cuộc sống
ĐMST trong hoạt động KH-CN bắt đầu hơn 10 năm với sự xuất hiện của Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) do Bộ KH-CN chủ trì, đã làm thay đổi cốt lõi của một nền kinh tế công nghiệp. Để tiếp tục có những hoạt động ĐMST thành công, Chính phủ và Bộ KH-CN tiếp tục đầu tư hơn nữa, hình thành cho được hệ sinh thái ĐMST của 4 thành phần: Chính phủ - doanh nghiệp - trường đại học - viện nghiên cứu để làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó coi trọng các đại học lớn để đầu tư; cho phép các trường đại học được thí điểm một số cơ chế, chính sách mang tính đột phá để sớm đưa các kết quả của hoạt động ĐMST vào cuộc sống.