Bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân đội đã nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; đặc biệt là chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Đặc biệt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã luôn làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định và thực hiện các chủ trương, chiến lược quan trọng về quân sự, quốc phòng, nổi bật là xây dựng nghị quyết về tổ chức quân đội; về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng; về phòng thủ dân sự; các kết luận về tăng cường tiềm lực quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội…
Có thể thấy, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, toàn quân luôn duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo, nội địa, ngoại biên, không gian mạng; xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Đã tham mưu các đối sách xử lý tình hình trên Biển Đông, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, ngăn chặn không để nước ngoài lợi dụng, tạo cớ leo thang căng thẳng, không để mắc mưu hoặc xảy ra xung đột quân sự trên biển và các địa bàn khác.
Về an ninh, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chủ động, tham gia tích cực xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Hơn nữa, điểm nhấn hết sức quan trọng trong thời gian qua là, trên cơ sở tham mưu của Đảng ủy Công an Trung ương và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 12 “Về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đây là nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa chiến lược, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và niềm tin tưởng tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân; khẳng định vai trò tất yếu, nòng cốt của Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Lực lượng Công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; chỉ đạo công tác đấu tranh với mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo đảm an ninh quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đối ngoại mang đậm bản sắc
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta được triển khai kịp thời, chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, trụ cột và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tiến hành hàng trăm chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao dưới nhiều hình thức.
Chuyến thăm có vai trò quan trọng tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như các chuyến thăm cấp cao tới Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand… tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN, APEC, ASEAN - Mỹ, ASEAN - EU, Đại hội đồng Liên hiệp quốc… là những sự kiện đối ngoại đặc biệt, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước và các đối tác quan trọng, ổn định, tăng cường, đi vào chiều sâu, tin cậy chính trị ở mức cao, đạt được kết quả cụ thể, thực chất với hơn hàng trăm văn kiện, thỏa thuận được ký kết.
Công tác đối ngoại đã đóng góp hiệu quả vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với việc Việt Nam trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới, “ngoại giao y tế”, “ngoại giao vaccine” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngành ngoại giao, ngành y tế đã tham mưu kịp thời để cả nước chuyển giai đoạn từ thích ứng an toàn sang phục hồi, tăng trưởng và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, bao gồm triển khai các cam kết trong khuôn khổ các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, tận dụng tốt đà phục hồi kinh tế thế giới, đóng góp vào kết quả khởi sắc về kinh tế - xã hội.
Hơn nữa, trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế và khu vực biến động phức tạp, Việt Nam đã bám sát tình hình, kiên quyết, kiên trì, vừa hợp tác, vừa đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
Trên biên giới đất liền, chúng ta đã phối hợp với các nước láng giềng quản lý đường biên, mốc giới hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội biên giới, tạo điều kiện khôi phục giao lưu, giao thương biên giới giai đoạn sau đại dịch Covid-19.
Trên biển, ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, tạo chuyển biến trong xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử với các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với Công ước 1982 của Liên hiệp quốc về Luật Biển...
Đặc biệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, công tác đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ trên tất cả các trụ cột, các lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương.
Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân; đối ngoại quốc phòng, an ninh và các hoạt động đối ngoại của các ban, bộ, ngành, địa phương được triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy được thế mạnh đặc trưng của từng trụ cột, từng lực lượng cũng như sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị.
Như vậy, từ sau Đại hội XIII đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ đại hội Đảng gần đây, nhưng với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội.