Bén duyên lan rừng
Chúng tôi đến Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vào buổi sáng của những ngày cuối tháng 11. Xung quanh không có tiếng xe cộ ồn ào, chỉ có màu xanh của cây cỏ và tiếng chim ca hát. Đặc biệt, trên mỗi thân cây rừng là hàng chục giò lan mọc chen chúc, thoang thoảng mùi hương của những khóm hoa đang nở. Chủ nhân của khu bảo tồn này là ông Đỗ Tuấn Hưng (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Tiếp chúng tôi trong khi vẫn say sưa chăm sóc một giò lan, ông Hưng khoe: “Đây là giò lan Long Tu có hương thơm ngát được lấy trong rừng Buôn Đôn từ 10 năm trước, nay đã sinh sôi, nảy nở thành nhiều cây con”. Khi chúng tôi tò mò về cái tên Troh Bư gắn liền khu rừng lan đã hơn 20 năm nay, ông Hưng cho biết, Troh Bư theo tiếng người dân tộc Ê Đê là thung lũng cá lóc. Bởi ngày xưa ở vùng buôn Niêng nổi tiếng lắm khe suối, nhiều cá lóc góp phần nuôi sống đồng bào dân tộc ở đây. Do đó, khi đặt chân đến vùng đất này, ông đã lấy tên Troh Bư đặt tên cho rừng lan của mình.
Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống trong ngành lâm nghiệp nên ngay từ nhỏ ông Hưng đã yêu thiên nhiên, hoa cảnh và đặc biệt rất thích hoa lan rừng. “Với tôi, lan rừng có vẻ đẹp kiêu sa, hoang dã và đặc biệt mùi hương rất thơm mà không loài hoa rừng nào có được. Ngay từ ngày còn nhỏ, tôi đã có niềm đam mê loài hoa này”, ông Hưng chia sẻ.
Năm 1995, khi về công tác tại một đơn vị của tỉnh Đắk Lắk, chứng kiến nhiều dự án cao su ồ ạt triển khai ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo... khiến nhiều cánh rừng ngã xuống, hoa lan cũng chung số phận bị cắt bỏ, vùi dập, ông Hưng đã nảy sinh ý tưởng lập khu bảo tồn hoa lan. Ông mua 5ha đất hoang nằm sát rìa TP Buôn Ma Thuột và thực hiện ý tưởng táo bạo của mình. Chỉ sau 2 năm, từ khu đất bạc màu đã mọc lên một khu rừng xanh tốt, hoa cỏ mọc khắp lối đi. Sau đó, ông bắt tay vào công việc cấy ghép hoa lan. Cách trồng hoa lan của ông Hưng cũng khác thường vì không dùng chậu đất, chậu gỗ, giá thể than hay vỏ thông để trồng mà tất cả đều được cấy, đính lên cây rừng, ghép trên đá.
Ông Hưng cho biết, ngoài việc cấy ghép, ông không tác động gì thêm, để cây tự sinh trưởng, phát triển theo quy luật tự nhiên. “Ngày đó, nguồn hoa lan rất phong phú và chưa bị cấm khai thác. Cứ cuối tuần tôi lại gói cơm, đạp xe vào các cánh rừng ở Ea Súp, Buôn Đôn... dầm mưa, dãi nắng trèo hái, gom nhặt từng nhành lan dại mang về trồng. Còn khi đi công tác ở các huyện có rừng, tôi hay lân la đến các khu vực thôn buôn hỏi mua lan”, ông Hưng nhớ lại.
Bảo tồn cho đời sau
Hơn 25 năm miệt mài sưu tầm, khu rừng lan của ông Hưng ngày một phong phú thêm các chủng loại lan rừng bản địa của núi rừng Tây Nguyên. Ngoài 215 loài phong lan, thạch lan tự nhiên với hơn 10.000 giò cấy vào thân cây, kẽ đá; 20 loài địa lan với khoảng 1.000 gốc trồng rải rác khắp vườn; Khu bảo tồn Troh Bư còn có gần 1.000 loại cây và hoa khác, trong đó khoảng 300 giống bản địa tái sinh tại chỗ. Năm 2017, Khu bảo tồn lan rừng Trob Bư đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) vinh danh “Bộ sưu tập lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam”. Sưu tầm lan từ ngày tóc còn xanh, giờ đây tóc ông Hưng đã chuyển màu điểm bạc. Với ông, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh là món quà tinh thần thúc đẩy đam mê cho hành trình bảo tồn lan rừng.
Sở hữu một bộ sưu tập lan rừng quý hiếm, được xem là có một không hai ở Việt Nam, nhiều đại gia chơi hoa lan đã ngỏ ý mua lại khu rừng nhưng ông Hưng đều từ chối. “Tôi sưu tầm lan rừng không phải vì mục đích kinh doanh mà để bảo tồn nguồn gen hoa lan quý hiếm, lưu giữ giá trị của thiên nhiên cho đời sau. Rừng ngày càng bị thu hẹp, lan rừng bị săn ráo riết. Những dòng lan đẹp, nổi tiếng ở các khu rừng Tây Nguyên như Nghinh xuân, Giã hạc, Thủy tiên... đã gần như không còn. Giờ đây muốn vào rừng để ngắm một giò hoa lan nở có thể nói là rất khó. Do đó, tôi cố gắng lưu giữ lại cái đẹp cho con cháu đời sau chiêm ngưỡng”, ông Hưng tâm sự.
Hiện trào lưu chơi hoa lan đang nở rộ, trong đó phong trào chơi hoa lan đột biến từng có lúc “làm mưa làm gió” trên thị trường mua bán, các thương vụ giao dịch có khi lên đến hàng chục tỷ đồng. Do vậy, nói như ông Phan Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam, bộ sưu tập lan rừng của ông Đỗ Tuấn Hưng là rất quý bởi đa dạng các chủng loại lan ở Việt Nam, trong đó có nhiều loại bản địa hiếm cần bảo tồn nguồn gien.