Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 29 tỷ USD

Chiều 28-6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024, thông tin về kết quả đạt được của ngành nông nghiệp Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
IMG_0257.jpeg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo chiều 28-6. Ảnh: MAI HIỀN

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao ngành nông nghiệp xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD. Hiện, đã xuất khẩu đạt hơn 50% chỉ tiêu của Thủ tướng đặt ra (29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023).

“Dự báo từ tháng 7 trở đi, nhu cầu tiêu thụ nông sản thường cao hơn nên mục tiêu xuất khẩu đến cuối năm vào khoảng 54 tỷ USD như kỳ vọng của Thủ tướng là có thể đạt được”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói thêm.

IMG_0256.jpeg
Cuộc họp báo chiều 28-6 tại trụ sở Bộ NN-PTNT

Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ).

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7% (tăng 20,8%); Trung Quốc chiếm 20,2% (tăng 9,5%) và Nhật Bản chiếm 6,7% (tăng 5%).

Tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản khoảng 20,92 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%.

Lý giải kết quả xuất khẩu phục hồi tăng trưởng trở lại, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, thời gian qua, Chính phủ cùng các đơn vị chức năng như Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tích cực, tập trung triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU); mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.

5 mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất gồm: gỗ và sản phẩm gỗ với 6,16 tỷ USD (tăng 22,5%); cà phê 3,14 tỷ USD (tăng 36,2%); rau quả 2,42 tỷ USD (tăng 35,3%); gạo 2,31 tỷ USD (tăng 27%); tôm 1,43 tỷ USD (tăng 13,3%).

5 mặt hàng thâm hụt thương mại cao nhất gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu với 2,13 tỷ USD (tăng 17,5%); bông các loại 1,5 tỷ USD (tăng 9%); chế phẩm từ sản phẩm trồng trọt 1,51 tỷ USD (tăng 7,2%); bắp 1,17 tỷ USD (giảm 2,2%); lúa mì 828 triệu USD (giảm 3,6%).

Tin cùng chuyên mục