Sinh ra và lớn lên ở TP Đà Nẵng, TS. Lê Thị Xuân Thùy (sinh năm 1981, giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) ngay từ khi học cấp 3, cô đã có niềm đam mê hóa học mang tính ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường. Sau này, khi đi đến nhiều nơi, nhận thấy môi trường tại các khu công nghiệp còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Chính điều này đã thôi thúc cô nghiên cứu để tìm ra các sản phẩm phục vụ cho xã hội.
Nhận thấy nhiều người dân còn đối mặt với tình trạng nhiễm phèn, nguồn nước ngầm không đảm bảo, TS. Xuân Thùy đã nghĩ ra đề tài “Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng”.
Theo TS. Xuân Thùy, thiết bị lọc nước ngầm đa tầng thiết kế nhỏ gọn theo dạng hình trụ, gồm 8 đoạn chứa nước ngầm, sỏi, cát biển, than hoạt tính, cát mangan và nước lọc... được phân thành từng ngăn riêng nên khi thay cũng rất dễ, giúp tiết kiệm hơn. Do đó, thiết bị khắc phục nhược điểm của các phương pháp lọc nước thông thường, mang lại hiệu quả lớn phù hợp với mọi đối tượng, mọi gia đình.
Kết quả sau thử nghiệm lọc nước ngầm tại xã Cẩm Thanh, TP Hội An cho thấy, các chỉ tiêu về độ đục (NTU), Fe, Mn đều về dưới mức cho phép theo QCVN 01:2009. Thiết bị nghiên cứu khi đưa về những vùng sâu, vùng xa như xã đảo và các huyện vùng núi Quảng Nam được người dân đón nhận, sử dụng với độ hài lòng cao.
Từ sáng chế này, cô đã phát triển thành thiết bị lọc nước có cặn bẩn tại các hộ gia đình, đồng thời, khuyến khích và hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên thực hiện đề tài NCKH, đề tài thạc sĩ liên quan chất lượng nguồn nước trước và sau khi sử dụng thiết bị lọc nước ngầm đa tầng để ứng dụng trong thực tiễn, phục vụ chính người dân ở quê hương mình.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cô gặp không ít khó khăn. “Thành phần các chất trong nước thải không giống nhau, do đó tôi phải tìm cách xử lý đưa nước thải về trạng thái tối ưu rồi mới sử dụng vật liệu gama để xử lý kim loại nặng. Gama là một vật liệu mới có giá thành cao nên việc sử dụng nó khá là hạn chế”, TS. Xuân Thùy bày tỏ.
Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở KHCN Đà Nẵng cho biết, giải pháp hữu ích này đã được Sở hỗ trợ ứng dụng thử nghiệm dưới dạng đề tài cấp cơ sở, về xử lý nước thải nhiễm các ion kim loại nặng cho nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Cơ khí - Mạ Đà Nẵng bước đầu đạt hiệu quả, nước thải đầu ra sau khi xử lý đạt cột B, QCVN 40/BTNMT. Các giải pháp của TS. Xuân Thùy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Với thành tích đó, TS. Xuân Thùy đã được UBND TP Đà Nẵng khen thưởng vào tháng 10-2018 trong hoạt động KHCN của thành phố.
Ông Trần Văn Hoàng cho biết thêm, Sở KHCN đã triển khai nhiều hoạt động và chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ, cụ thể như: chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học thông qua các nhiệm vụ KHCN cấp thành phố, cơ sở; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; chính sách khen thưởng sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp văn bằng bảo hộ; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc trưng của địa phương,...