Nữ sĩ Quỳnh Dao: Những trang viết đã thấm vào cuộc đời

Chị Vũ Yến (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ sau khi nghe tin nữ sĩ Quỳnh Dao qua đời: "Tối qua nghe lại những bài hát trong Tân dòng sông ly biệt. Bộ phim mình yêu thích nhất, được xây dựng trên tác phẩm của bà, ký ức lại về với Lục Y Bình, Hà Thư Hoàn, Lục Như Bình, Đỗ Phi... Đúng là khóc, cười, hồi hộp, luyến nhớ cùng nhân vật luôn...".

Những trang viết vừa lãng mạn vừa buồn thương

Dù là một nhà văn nước ngoài, nhưng tên tuổi cũng như tác phẩm của Quỳnh Dao từ lâu đã trở nên quen thuộc với bạn đọc Việt Nam trong suốt thời gian dài. Từ thập niên 1970, một số tác phẩm của bà bắt đầu đến với độc giả Việt như Bích Vân thiên, Thuyền tình đỗ bến, Bất chợt một chiều mưa, Bóng hoàng hôn, Cánh hoa chùm gửi, Cơn gió thoảng… Về sau, các tác phẩm của bà tiếp tục được xuất bản và giữ một vị trí nhất định trong đời sống tinh thần của độc giả Việt Nam như: Dòng sông ly biệt, Bên dòng nước, Chiếc áo mộng mơ, Hãy hiểu tình em, Hoàng hôn cuối cùng, Hòn vọng phu, Khói lam cuộc tình, Song ngoại, Tình buồn

Trong cuốn hồi ký Chuyện đời tôi, nhà văn Quỳnh Dao từng tâm sự: “Đời tôi đã đi qua như thế nào? Thật lạ lùng, dẫu bụi thời gian che phủ, trước mắt tôi lúc nào cũng hiện ra rõ mồn một biết bao giông tố bão bùng, biết bao cuộc tan hợp đẫm đầy nước mắt, tình yêu và lòng căm giận, khổ đau và cái chết rập rình suốt những năm tháng dài lưu lạc. Đã là con người, ai cũng có niềm vui và nỗi buồn, tôi cũng vậy, nhưng lại ở mức độ hết sức đậm đặc. Có thể nói quá khứ đời tôi là dòng hợp lưu của mồ hôi và nước mắt, cuồng vọng và nỗi đau, đoàn tụ và ly biệt, cô đơn và giẫy giụa, mâu thuẫn và day dứt, lỗi lầm và ân hận...”.

van si quynh dao.jpg
Nữ sĩ Quỳnh Dao. Ảnh: Internet

Có lẽ, chính cuộc đời đầy thăng trầm như vậy đã trở thành chất liệu cho những trang viết vừa lãng mạn vừa buồn thương của Quỳnh Dao mà bạn đọc yêu thích trong hàng chục năm qua. Không chỉ đắm đuối với những câu chuyện tình yêu đẹp và buồn của bà, những nhân vật trong các tác phẩm của bà còn trở thành hình mẫu “trong mộng” của nhiều chàng trai cô gái tuổi đang yêu. Đặc biệt, vì yêu quý những nhân vật trong truyện Quỳnh Dao nên nhiều người đã đặt tên hoặc gọi con cháu mình theo tên của những nhân vật này như Tiểu Yến Tử, Hàn Ni, Tiểu My, Triệu Vy…

Bạn đọc Nguyễn Linh (sinh năm 1995) cho biết, anh ít được xem phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao, nhưng tiểu thuyết của bà anh được đọc rất nhiều. Từ thời đầu tiên được dùng máy tính những năm 2008, mạng yếu và chỉ có thể tải được file PDF, anh Linh đắm chìm trong Hoàn châu cách cách, Dòng sông ly biệt... Đọc từng chút đến khi tốt nghiệp cấp 3 cũng đọc xong gần như đầy bộ, nén những file vừa đọc vào email và kết thúc đời học sinh buồn tẻ.

“Đến tận lúc học đại học, mỗi lần uống nước mía, tôi vẫn thấy nhớ lại một cảnh trong cuốn sách không tên, một chàng trai nào đó cùng tình nhân trong bệnh viện, khi trải qua bao trái ngang của mối tình nghèo đầy sóng gió, vét sạch túi tiền mua một cốc nước mía, ngọt tình người, ngọt tình yêu”, độc giả Nguyễn Linh chia sẻ.

Từ phim đến đời

Theo chị Vũ Yến (ngụ quận Tân Bình, TPHCM), lúc sinh thời các tác phẩm của bà khiến người ta không khỏi say mê, bàn tán. Cách bà chọn để rời xa thế giới này cũng sẽ khiến người ta còn bàn mãi. Có cả những lưu luyến nữa.

Thời thập niên 1980, 1990 cho đến đầu những năm 2000 các bộ phim chuyển thể từ những tác phẩm của bà như: Mùa thu lá bay, Hoàn châu cách cách, Tân dòng sông ly biệt... đã làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh được phát sóng trên truyền hình, giai đoạn đó một thế hệ không nhỏ khán giả thưởng thức các bộ phim bằng đầu máy với những cuốn băng VHS.

hoan chau cach cach 4.jpg
Tân dòng sông ly biệt - bộ phim nổi tiếng được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Quỳnh Dao. Ảnh: Internet

Trên một kênh phim đăng tải trọn bộ Hoàn châu cách cách, nhiều khán giả cũng đã tìm lại xem bộ phim và để lại những bình luận: "Nhớ ngày còn bé đi xem phim nhờ nhà hàng xóm, ngày được ngày không. Bây giờ 2024 nghe tin "mẹ đẻ" Hoàn châu cách cách đã mất nên mới tìm xem lại. Tuổi thơ ùa về"; "Nay nữ sĩ Quỳnh Dao mất, nên ngồi coi lại", "Tôi cũng đang xem đây. Hoàn châu cách cách mình xem đến mười lần mà vẫn muốn xem lại"; "Có ai đang coi không nè, 32 tuổi vẫn xem lại, bộ phim đầy tuổi thơ của tôi"...

Fanpage Ký ức 8X 9X với 193.000 lượt theo dõi khi đăng tải một video những hình ảnh giới thiệu bộ phim Hoàn châu cách cách cũng đã thu hút hàng ngàn lượt like, hàng trăm bình luận. Có khán giả thuộc thế hệ cuối 8X cho biết, thời điểm năm 2000 khi phim được chiếu trên sóng truyền hình, vì quê nghèo chưa có điện, mỗi buổi tối cứ tranh thủ học xong là con nít cả xóm ùn ùn kéo nhau về nhà ông chú ngay trung tâm xóm để xem tivi đen trắng chạy bằng bình ắc quy.

Thậm chí, có khán giả còn tiết lộ khi xem tập cuối đã khóc vì ngày mai không còn phim để xem nữa. Một phần ký ức tuổi thơ, một bầu trời kỷ niệm, thanh xuân 8X... là những chia sẻ của rất nhiều khán giả.

hoan chau cach cach 2.jpg
hoan chau cach cach 1.jpg
Những hình ảnh các nhân vật trong Hoàn Châu cách cách một thời được khán giả ái mộ sưu tầm. Ảnh: Internet

Có một điều khá thú vị, không chỉ được yêu thích trên màn ảnh nhỏ các bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của Quỳnh Dao còn có sức ảnh hưởng rất tự nhiên, nhẹ nhàng trong đời sống của một bộ phận khán giả Việt. Sau khi Hoàn Châu cách cách gây sốt, rất nhiều hình ảnh các diễn viên trong phim được in ra thành những tấm lớn hay dạng sticker nhỏ, thậm chí được đặt trong những gói kẹo, nhãn vở học tập... và được đông đảo khán giả yêu thích. Nhiều cuốn lưu bút được giữ cho đến ngày nay vẫn còn những hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu đó.

Không dừng lại ở phim, âm nhạc trong các bộ phim với những ca khúc nổi tiếng cũng có đời sống riêng. Có khán giả hé lộ, thời kỳ đó mỗi khi nhà đài chiếu phim Hoàn Châu cách cách là lại nhẩm theo bài hát nhạc phim đang làm mưa làm gió dù không biết tiếng Trung. Phải mãi đến sau này ca khúc mới có phụ đề tiếng Việt nên sức hút càng lan tỏa hơn.

hoan chau cach cach 3.jpg
Nàng "Hoàn Châu cách cách" Triệu Vy từng sang Việt Nam song ca với Đan Trường. Ảnh tư liệu

Những ca khúc như: Chàng là gió thiếp là cát, Khi nào, Có một vị cô nương, Không thể chia tay với anh, Non nước xa xa, Từ khi có em... trong Hoàn Châu cách cách hay Rất nhớ, Trạm xe ly biệt, Cơn mưa sương khói, Tình sâu đậm mưa mịt mù (phim Tân dòng sông ly biệt)... cho đến bây giờ vẫn được khán giả yêu thích. Nhiều ca khúc cũng đã được chuyển thể sang lời Việt, trong đó không thể không kể đến Mùa thu lá bay trong bộ phim cùng tên, Tình hồng như mơ (Hoàn Châu cách cách)…

Đặc biệt, năm 2001 diễn viên Triệu Vy từng sang Việt Nam tham gia một chương trình giao lưu văn hóa và đã chọn biểu diễn ca khúc Biệt khúc chờ nhau (phim Tân dòng sông ly biệt) cùng Đan Trường, tạo nên bản song ca vô cùng ấn tượng dù Triệu Vy mặc áo dài hát tiếng Trung trong khi Đan Trường hát tiếng Việt. Phần trình diễn này khi được đăng tải trên kênh YouTube của Đan Trường hiện đã thu hút hơn 15 triệu lượt xem. Cho đến giờ nhiều người vẫn tìm lại nghe các ca khúc này, minh chứng cho thấy sức sống và tầm ảnh hưởng từ những tác phẩm của Quỳnh Dao.

Quỳnh Dao sinh năm 1938 là nhà văn, nhà biên kịch, nhà sản xuất phim. Bà được coi là tiểu thuyết gia lãng mạn nổi tiếng bậc nhất trong cộng đồng nói tiếng Trung với hàng trăm tác phẩm đã được xuất bản. Các tác phẩm của bà cũng đã được chuyển thể thành hàng trăm bộ phim điện ảnh, truyền hình. Những tác phẩm nổi tiếng của bà có thể kể đến: Hoàn Châu cách cách (phần 1 và 2), Mai hoa lạc, Dòng sông ly biệt, Ngọn cỏ ven sông, Một thoáng mộng mơ, Bên bờ quạnh hiu...

Hôm 4-12, bà được phát hiện là đã chết với một lá thư tuyệt mệnh tại nơi ở thuộc thành phố Tân Bắc, Đài Loan, hưởng thọ 86 tuổi.

Tin cùng chuyên mục