Nữ kỳ thủ vàng Para Games

Tôi gặp vận động viên cờ vua Nguyễn Thị Hồng khi cô về dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VII tại Thủ đô Hà Nội.

Nhìn cô gái nhỏ nhắn có gương mặt sáng và phong thái tự tin, có lẽ nhiều người khó nhận ra cô là người khiếm thị. Chỉ đến khi biết thị lực của cô gần như bằng 0, mọi người mới hiểu để có mặt trong ngày lễ tuyên dương này, cô đã trải qua một hành trình gian nan.

7 huy chương vàng Para Games

Vừa tham dự lễ báo công dâng Bác tại Quảng trường Ba Đình về, Nguyễn Thị Hồng hào hứng kể: “Em rất vui vì được là 1 trong 420 thanh niên tiêu biểu tham dự một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa của tuổi trẻ Việt Nam. Ở đó, em gặp được rất nhiều bạn bè, mỗi người đều là tấm gương sáng về nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, với những thành tích vô cùng đáng nể, đến mức em thấy thành tích của mình rất nhỏ bé”.

Vận động viên Nguyễn Thị Hồng trên bục nhận HCV tại ASEAN Para Games 12

Vận động viên Nguyễn Thị Hồng trên bục nhận HCV tại ASEAN Para Games 12

Cái thành tích mà Hồng tự gọi là “nhỏ bé” đó thực sự rất đáng được ngưỡng mộ. Đó là 2 lần liên tiếp tham dự ASEAN Para Games (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á). Trong đó, ở lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia bộ môn cờ vua thi đấu ở ASEAN Para Games lần thứ 11 năm 2022 tổ chức tại Indonesia, Hồng đã đoạt 2 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc cá nhân, 3 HCV đồng đội.

Lần đó, Nguyễn Thị Hồng là vận động viên đạt thành tích cao nhất ở bộ môn cờ vua của đội tuyển thể thao người khuyết tật. Còn ở ASEAN Para Games lần thứ 12 năm 2023, Hồng giành được 1 HCV cá nhân và 1 HCV đồng đội, góp phần nâng thành tích của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng tổng sắp huy chương tại ASEAN Para Games 12.

Nhắc lại những thời khắc căng mình giành giật từng điểm trước những đối thủ mạnh để đạt thành tích cao nhất, Hồng vẫn chưa hết xúc động. Ở nội dung thi đấu cờ chớp V1-B2/B3 tại ASEAN Para Games 12, Hồng chỉ là ứng cử viên vô địch thứ tư nếu so về thành tích cá nhân. Nhưng với khát khao chiến thắng, Hồng đã tập trung cao độ, dồn cả tâm trí vào từng nước cờ, tận dụng từng lợi thế nhỏ từ sơ hở của đối thủ.

Cuối cùng, cô đã thắng ứng cử viên sáng giá hơn mình một cách ngoạn mục. “Lần nào cũng vậy, mỗi khi bài Quốc ca Việt Nam vang lên ở đấu trường quốc tế, em cảm thấy rất rõ tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc trào dâng trong lòng. Em đã cười, đã khóc vì quá hạnh phúc. Hạnh phúc bởi mình đã đóng góp công sức, trí tuệ nhỏ bé để mang vinh quang về cho Tổ quốc”, Nguyễn Thị Hồng tâm sự.

Đồng hành cùng Nguyễn Thị Hồng nhiều năm qua, huấn luyện viên Bùi Quang Vũ, cho biết, ưu điểm lớn của Hồng là khả năng tính toán, quyết tâm cao trong thi đấu và tinh thần tự tập luyện.

Học tập và cống hiến không ngừng

Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1998, quê quán ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội). Từ khi còn rất nhỏ, Hồng đã bị căn bệnh quái ác là thoái hóa võng mạc sắc tố, khiến thị lực suy giảm hẳn. Cô bé sớm nhận ra sự thiệt thòi của bản thân so với các bạn cùng trang lứa, khi cả thế giới xung quanh chỉ còn là một màn sương mờ ảo, không sắc màu, đường nét. Cô đã từng đi học lớp 1 ở gần nhà nhưng rồi không thể theo kịp các bạn bình thường.

Sau đó, Hồng được bố mẹ xin cho theo học tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng), một ngôi trường chuyên biệt dành cho những người khiếm thị. Người cha đã làm nhiều việc để kiếm tiền, cố gắng đủ chi trả cho 1 căn nhà trọ nghèo nàn và những bữa cơm đạm bạc với hy vọng sẽ có một cơ hội nào đó ở tương lai sáng sủa hơn cho cô con gái. Hồng là một cô bé hiểu chuyện và chăm ngoan, không vì sự kém may mắn của mình để đòi hỏi biệt đãi.

May mắn đã đến với Hồng khi có một nhóm sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh đến Trường Nguyễn Đình Chiểu hướng dẫn học sinh chơi cờ vua. Hồng chật vật làm quen với các quân cờ. Cô sờ chi tiết để định hình sự khác biệt của từng quân cờ, ghi nhớ bàn cờ, dò dẫm từng nước đi. Ấy thế mà chỉ một thời gian ngắn sau đó, cô đã khiến các anh chị sinh viên bất ngờ khi chơi những ván cờ rất “sáng nước”.

Được động viên khích lệ, Hồng bắt đầu say mê môn cờ vua. Cô chuyên tâm luyện tập và ngày càng bộc lộ rõ năng khiếu đặc biệt ở môn thể thao trí tuệ này. Sự nỗ lực của Hồng đã có kết quả khi vào năm 2016, lúc đang theo học văn hóa tại Trường THPT Trần Nhân Tông, cô được mời tham gia đội tuyển thể thao người khuyết tật TP Hà Nội. Kể từ đó, công việc hàng ngày của Hồng là khổ luyện để nâng cao thành tích. Đều đặn cứ 5 buổi/tuần, cô đi xe buýt từ phòng trọ ở quận Hai Bà Trưng tới địa điểm tập luyện của đội ở số 1B Lê Hồng Phong (quận Ba Đình). Ngoài giờ tập luyện ở đội, cô luyện cờ bất kỳ lúc nào, kể cả giờ ăn, giờ nghỉ, thậm chí cả trong giấc mơ. Trong đầu cô lúc nào cũng là những thế cờ khó cần được giải quyết.

Nhận xét về Hồng, Chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội Lê Trung Quyết chia sẻ, hiếm có người chăm chỉ, kiên trì và quyết tâm như Hồng. Cô đã truyền được cảm hứng cho nhiều bạn trẻ vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng là lý do mà Hồng được về dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần này.

Hồng cũng không nề hà việc chủ động gọi điện cho các bậc đàn anh trong nghề để học hỏi. Nhờ có một ứng dụng đọc màn hình hỗ trợ người khiếm thị trên điện thoại, cô lên mạng tìm kiếm, nghiên cứu từng nước cờ của các đại kiện tướng quốc tế và quốc nội trong những ván cờ hóc búa.

Hồng chia sẻ: “Em thần tượng vận động viên Carlsen của Na Uy, Lê Quang Liêm của Việt Nam và học hỏi ở họ rất nhiều, từ cách “bài binh, bố trận” đến cách tấn công, vây hãm đối phương. Bài học quan trọng được rút ra là, chỉ cần một thoáng sơ suất cũng sẽ phải trả giá rất đắt, nên em phải khổ luyện, tìm tòi để có những nước cờ thận trọng mà táo bạo, hiệu quả, khuất phục đối thủ”.

Tin tưởng ở Hồng, ban huấn luyện đã cho cô góp mặt ở các cuộc thể thao thường niên của người khuyết tật và cô thường đoạt nhiều huy chương tại mỗi giải đấu. Nữ kỳ thủ dự định, trong tương lai gần, cô vẫn theo đuổi môn cờ vua, tiếp tục rèn luyện, thi đấu và hướng tới những thành tích cao hơn trên đấu trường quốc tế; còn ước mơ sau này là mở lớp dạy cờ vua cho các em nhỏ, đặc biệt là các em không may bị khuyết tật, hay có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện Hồng vẫn sống ở nhà trọ, bằng lương trợ cấp dành cho vận động viên trong đội tuyển, khoảng 350.000 đồng/ngày. Tôi hỏi, số tiền đó có đủ sống không, em cười vui: “Đó là công sức lao động của mình, có chừng nào thì vui chừng đó, làm theo lời Bác là luôn học tập, phấn đấu, cống hiến không ngừng và sống cần kiệm”.

Tin cùng chuyên mục