“Nữ hoàng đã ra đi yên bình tại lâu đài Balmoral vào chiều nay. Vua và hoàng hậu sẽ ở lại Balmoral vào tối nay và sẽ trở lại London vào ngày mai”. Thông báo chính thức về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II bên ngoài cung điện chỉ gói gọn trong 2 câu trên nhưng “sự im lặng đầy tôn kính dường như vẫn phủ khắp thế giới trước sự mất mát một nhân vật lịch sử có ý nghĩa sâu sắc”, như tạp chí Time nhận xét.
96 tuổi và 70 năm trị vì
Tin tức Nữ hoàng Elizabeth II băng hà không có gì bất ngờ với thần dân Anh vì trước đó đã có thông cáo từ Điện Buckingham cho biết các bác sĩ cho rằng tình trạng sức khỏe của người tại vị lâu nhất của Vương quốc Anh đáng lo ngại. Thái tử Charles cùng phu nhân và các thành viên hoàng gia đã vội về lâu đài Balmoral, nơi Nữ hoàng an dưỡng để ở gần bà.
Lên ngôi năm 1952, Nữ hoàng đã chứng kiến những thay đổi xã hội to lớn trong suốt triều đại của mình: Trải qua thời kỳ hậu chiến, quá trình chuyển đổi từ đế chế sang Khối thịnh vượng chung, kết thúc Chiến tranh lạnh, Vương quốc Anh gia nhập Liên minh châu Âu rồi rời đi sau đó (Brexit). Bà đã tạo nên lịch sử đương đại khi triều đại của bà trải qua 15 đời thủ tướng, bắt đầu từ ông Winston Churchill (sinh năm 1874), đến bà Liz Truss (sinh năm 1975), người vừa được Nữ hoàng bổ nhiệm ngày 6-9.
Nữ hoàng Elizabeth II có tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary Windsor, sinh ngày 21-4-1926 tại Mayfair, London. Bà là con đầu lòng của Công tước xứ York - ngài Albert - con trai thứ 2 của Vua George V và nữ Công tước Elizabeth Bowes-Lyon. Vào tháng 12-1936, Vua Edward VIII thoái vị, cha của Elizabeth trở thành Vua George VI và Công chúa Elizabeth bất ngờ trở thành người thừa kế ngai vàng khi mới 10 tuổi.
Nữ hoàng Elizabeth và em gái, Margaret Rose, sinh năm 1930, đều được nuôi dạy tại nhà và lớn lên trong bầu không khí gia đình đầy yêu thương. Năm 1939, công chúa Elizabeth, 13 tuổi, đã tháp tùng nhà vua và hoàng hậu đến Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia tại Dartmouth. Tại đây, công chúa lần đầu gặp người bạn đời là một trong những thiếu sinh quân hộ tống mình, Hoàng tử Philip của Hy Lạp và Đan Mạch.
Ngày 20-11-1947, hai người làm lễ cưới tại tu viện Westminster. Họ đón con trai đầu lòng Charles vào năm 1948, sau đó là con gái Anne năm 1950. Năm 1952, nhà vua qua đời khi Công chúa Elizabeth đang có chuyến công du nước ngoài cùng hoàng tử Philip. Tháng 6-1952, Công chúa Elizabeth, khi đó 26 tuổi, lên ngôi Nữ hoàng.
Nữ hoàng Elizabeth II là nguồn sức mạnh mang lại sự tự tin cho Vương quốc Anh trong gần 100 năm. Trị vì trong 70 năm liên tục, Nữ hoàng Elizabeth II là quân vương có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh. Sự nổi tiếng của bà là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ủng hộ đối với chế độ quân chủ của Vương quốc Anh trong những năm gần đây.
Trong bài phát biểu của mình vào tối 8-9 bên ngoài số 10 phố Downing, Thủ tướng Anh Liz Truss khẳng định, Nữ hoàng là nền tảng xây dựng nên nước Anh hiện đại, là người đã tạo nên sự ổn định và sức mạnh cần thiết cho Vương quốc Anh. Phát biểu của Thủ tướng kêu gọi: “Nữ hoàng Elizabeth II đã băng hà. Đó là một mất mát to lớn đối với Vương quốc Anh. Nhưng chúng ta hãy xích lại gần nhau hơn, đồng lòng ủng hộ Quốc vương Charles III”.
Những việc cần làm
Chính phủ Anh dự kiến không công bố bất kỳ hoạt động nào khác, trừ khi khẩn cấp, để dồn sự tập trung hoàn toàn vào Nữ hoàng Anh. Dù diễn biến chính thức vẫn chưa được công bố nhưng nhiều hãng truyền thông đưa tin, thời khắc Nữ hoàng Elizabeth II băng hà cũng là lúc kế hoạch mang mật danh “Chiến dịch Cầu London” - vốn được xây dựng suốt nhiều thập kỷ để chuẩn bị cho kịch bản Nữ hoàng băng hà - được kích hoạt những bước đi tiếp theo. “Chiến dịch Cầu London” bao gồm từ việc chuẩn bị đối với thi thể Nữ hoàng, cho đến cách thức tang lễ được tổ chức hay truyền thông sẽ phản ứng ra sao…
Dự kiến, một ngày sau khi tin tức về sự ra đi của Nữ hoàng được công bố, sẽ có loạt các sự kiện nghi lễ để chính thức đánh dấu nhà vua mới lên ngôi. Theo tiết lộ của tờ Political, kế hoạch đưa Thái tử Charles lên ngôi được gọi là chiến dịch Spring Tide. Hội đồng Đăng cơ sẽ họp tại Cung điện St James và Thái tử Charles được tấn phong Quốc vương. Tối cùng ngày, Quốc hội Anh sẽ họp để tuyên thệ trung thành với nhà vua mới.
Nữ công tước xứ Cornwall, phu nhân Thái tử Charles, sẽ chính thức trở thành tân vương. Hoàng tử William, với tư cách người thừa kế ngai vàng, sẽ được nhận tước hiệu mới là Thái tử xứ Wales. Hoàng tử Harry vẫn ở trong danh sách kế vị bất chấp quyết định rời xa các công việc hoàng gia và chuyển đến Mỹ cùng vợ Meghan Markle gây tranh cãi. 5 trong số 7 người gần nhất (trừ Hoàng tử William và Hoàng tử Harry) sẽ kế vị ngai vàng nước Anh chỉ mới là những đứa trẻ của 2 gia đình 2 hoàng tử này.
Theo “Chiến dịch Cầu London”, tang lễ dự kiến sẽ diễn ra trong 10 ngày sau khi Nữ hoàng qua đời. 4 ngày sau khi Nữ hoàng qua đời, sẽ có một đám rước từ Cung điện Buckingham đến Cung điện Westminster để công chúng đến viếng và bày tỏ lòng thành kính của họ đối với Nữ hoàng đến 23 giờ mỗi ngày.
Sau đó, tang lễ cấp nhà nước sẽ được tổ chức tại tu viện Westminster và sẽ được coi là ngày quốc tang, do Tổng giám mục Canterbury phụ trách. Lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia từ Khối thịnh vượng chung và các nước khác sẽ tham dự. Ngày tang lễ của Nữ hoàng có thể sẽ trở thành ngày lễ quốc gia và Sở Giao dịch chứng khoán London cũng như hầu hết các ngân hàng Anh sẽ đóng cửa. Vào buổi sáng ngày diễn ra lễ tang, chiếc búa gõ chuông tại tháp đồng hồ Big Ben sẽ được bọc bằng da để không phát ra âm thanh và sẽ có 41 phát đại bác tiễn biệt Nữ hoàng được bắn từ công viên Hyde.
Sau tang lễ, Nữ hoàng sẽ được an táng tại lâu đài Windsor bên cạnh người chồng quá cố - Hoàng thân Philip và cha của bà - Vua George VI.