Dù hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... ra đời cách đây đã hai năm, bản thân nhà văn - đạo diễn Xuân Phượng cũng từng nhiều lần tham dự các chương trình giao lưu trong vai trò khách mời lẫn diễn giả, nhưng chương trình giao lưu “Giữ lửa tuổi thanh xuân” do NXB Tổng hợp TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM và Quỹ Hoa Sen phối hợp tổ chức vào ngày 17-12, vẫn nhận được rất nhiều quan tâm và yêu mến của đông đảo bạn đọc và bạn hữu.
Hồi ký "Gánh gánh... gồng gồng..." vừa được tái bản lần thứ 4 tại NXB Tổng hợp TPHCM |
Vào năm 2020, hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... ra mắt, được đón nhận và vinh dự nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cùng giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM. Trong lần tái bản này, sách bổ sung 30 trang Dư luận gồm 7 bài viết của các tác giả, trong đó có bài phỏng vấn đã đăng trên Báo SGGP vào ngày 23-2-2021.
Theo chia sẻ của bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, ban đầu, hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... được in ở NXB Văn hóa - Văn nghệ. Bước vào quá trình tái bản là lúc NXB Văn hóa - Văn nghệ và NXB Tổng hợp TPHCM tiến hành hợp nhất. Từ đó đến nay, tác phẩm đã tái bản lần thứ 4. Ở lần tái bản này, sách được in 1.000 cuốn, NXB được giao 300 cuốn thì hiện đã hết, và đã đề nghị tác giả Xuân Phượng tái bản tiếp.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM chia sẻ tại chương trình |
“Nhiều độc giả ngoài Bắc cũng liên tục nhắn tin về việc đặt sách lâu rồi mà chưa được NXB giao. Đây là hiện tượng mà người làm sách như chúng tôi vui và mong được lan tỏa thông tin đó để có nhiều người tiếp cận tác phẩm, đọc, hiểu, chia sẻ nhiều hơn nữa để câu chuyện của cô Xuân Phượng, những chặng đường làm nghề, cảm xúc trong cuộc đời của cô được lan toả và nhân rộng ra nhiều hơn”, bà Thanh Thuỷ chia sẻ.
Nhà văn kiêm đạo diễn Xuân Phượng sinh năm 1929, quê làng Nham Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 16 tuổi (1945) bà thoát ly gia đình, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu giành độc lập cho đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bà trải qua nhiều công việc khác nhau, từ chế tạo thuốc nổ, làm báo, bác sĩ đến phóng viên chiến trường. Đặc biệt, thời gian đạo diễn Xuân Phượng làm phóng viên chiến trường cũng là lúc chiến tranh diễn ra ác liệt. Không ít người đã xác định bước chân vào làm phóng viên chiến trường là 70% chết, chỉ còn 30% là sống. Ngay đoàn phim của bà lúc đó có 12 người thì 3 người hy sinh, 1 người bị thương.
Bước sang tuổi 94 nhưng nhà văn kiêm đạo diễn Xuân Phượng khiến không ít người ngạc nhiên bởi sự tinh anh, mẫn tiệp và hài hước của mình |
“Có nhiều người nói tôi mình đồng da sắt, sức khỏe hơn người, nhưng không phải đâu. Tôi cũng sợ hãi, lo lắng, cũng đau buồn. Nhưng giống như câu nói, con người ta chỉ có một lần được sống, mình gắng làm sao sống được theo ý muốn của mình, gắng làm sao mà sống để xứng đáng với cách mà cuộc đời đã cho phép chúng ta có mặt trên đời này. Đó có thể là động lực giúp tôi vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, chứ tôi không phải mình đồng da sắt gì mà đi vào chiến trường vẫn ung dung tự tại”, nhà văn Xuân Phượng bày tỏ.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM tặng hoa chúc mừng nhà văn Xuân Phượng. Cách đây không lâu, nhà văn Xuân Phượng là một trong 29 hội viên vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn TPHCM |
Có một điều khiến không ít người, kể cả những người trẻ lấy làm khâm phục ở nhà văn Xuân Phương, đó là ở cái tuổi hơn 90, bà vẫn từng ngày từng giờ say sưa hoạt động sôi nổi như những ngày theo đoàn quân kháng chiến chống Pháp. Trong năm 2022, bà đã hoạt động sôi nổi, liên tục di chuyển từ Đà Lạt, Huế, Quảng Trị, Hà Nội, đến tận ATK Việt Bắc tham dự các sự kiện, hoặc tham gia chuyến đi rong ruổi xuyên Việt hơn một tháng trường…
Nhà văn Xuân Phượng ký tặng sách cho độc giả |
Suốt chương trình giao lưu, sau mỗi lần nhà văn Xuân Phượng chia sẻ, những tràng pháo tay không ngớt vang lên. Sự mẫn tiệp, tinh anh, hài hước, duyên dáng của người đàn bà U100 khiến không ít người ngạc nhiên. Thậm chí, khi có độc giả cho rằng bà đã lớn tuổi và bày tỏ mong muốn bà cần nghỉ ngơi, nhưng nhà văn Xuân Phượng cho rằng, con người ta chỉ già trên mặt, trên da, trên tóc còn con tim của bà chắc chắn không già đâu.
Bà nói: “Trái tim tôi vẫn muốn thổn thức trước mùa thu, rung động trước những bản nhạc hay, và trái tim tôi cũng muốn yêu thương. Và mình không thể từ chối trái tim của mình. Con tim không già thì tại sao chúng ta lại già?”.