Kí ức còn lưu giữ
Đến tại khu dân cư Hòa Phú 1A (P. Hoà Minh, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nghe nhiều người kể lại, ở đây có một cựu chiến binh (CCB) tên là Trương Thị Kim Anh giỏi về điều trị các bệnh liên quan đến bệnh tê nhức, mất cảm giác chân, tay, toàn thân và chữa các bệnh cho trẻ sơ sinh.
Ở tuổi 62, những chuyện khác bà Kim Anh có thể quên đi phần nào, nhưng kỷ niệm về những ngày bị địch bắt giữ vẫn còn lưu giữ trong trí nhớ của bà. Vào tháng 3-1972, trong một lần chạy cắm cờ ở sông Đại Hồng, Đò Ba, bà bị Tiểu đoàn 79 Biệt động quân của Sư đoàn Châu Điên, quận Thượng Đức bắt và đưa bà đi giam tại nhà tù Hội An, sau đó chuyển đến nhà tù Thủ Đức và Nhà lao Thiếu nhi tại Đà Lạt đến hết tháng 12-1972.
Tại sở cảnh sát quận Thượng Đức, bà Kim Anh kể: “Bọn lính bấm còng, đá tôi bay vào tường. Rút dây roi điện đánh đến mức tôi dường như không thở nổi. Lúc ấy, đầu óc ê ẩm. Mỗi lần cử động, cơn đau khiến tôi không còn nhớ một điều gì”.
Đau xót nhất là lúc sau khi thẩm vấn tại Hội An, bà nội và mẹ vào thăm. Nghe kêu tên rõ ràng, bà Anh chỉ mong đi ra để trông thấy họ. Thế nhưng bà chỉ liếc qua và ngay lập tức phủ nhận. Nghe thấy lời bà nói, mẹ ngất xỉu, bà nội ôm mẹ ngồi khóc. “Nhớ lại cảnh đó, tôi lại ứa nước mắt. Giờ đây bà già tôi mờ mắt cũng chỉ vì lúc đấy khóc quá nhiều, khóc cạn nước mắt. Thấy được mẹ và bà nội, mừng lắm chứ. Nhưng vì nhiệm vụ của mình nên mình phải làm như vậy”, bà xúc động.
Hết hạn tù, bà Anh trở về huyện đội Đại Lộc tiếp tục công tác. Với tinh thần gan dạ và có kinh nghiệm trong trinh sát, bà được cấp trên bổ nhiệm làm Tổ trưởng tổ trinh sát và trực tiếp cùng bộ đội địa phương tham gia chiến đấu giải phóng Thượng Đức năm 1974. Những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, những người lính như bà nhiều lần phải đối mặt với cái chết trong gang tấc. Có lần một mảnh bom đã văng vào mũi súng khiến bà bị thương. Khi vết thương ổn định, bà được đơn vị cử đi học lớp quân y do tỉnh đội Quảng Đà tổ chức. Sau hoàn thành lớp học với tấm bằng loại giỏi, bà trở về đơn vị tiếp tục công tác với nhiệm vụ quân y sĩ huyện đội Đại Lộc, đến năm 1988 do vết thương tái phát (thương binh 4/4) bà được giải quyết chế độ chính sách về hưu.
Trở về địa phương
Ở độ tuổi cao niên, nhiều người sẽ chọn một cuộc sống nhàn rỗi, an hưởng tuổi già. Thế nhưng nữ cựu binh này hằng ngày vẫn miệt mài với công việc chăm sóc, cứu chữa người bệnh bằng kiến thức tích lũy trong quá trình học tập tại Trường Quân y. Với bà, được chữa trị và nhìn thấy bệnh nhân cải thiện sức khỏe qua từng ngày không chỉ là niềm vui mà còn là động lực để bà cố gắng. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, người bệnh tìm đến đây ngày một nhiều hơn.
May mắn được trở về từ thời chiến, người cựu binh này vẫn nỗ lực vượt lên số phận bằng ý chí can trường và dành trọn phần đời còn lại của mình thầm lặng gieo những mầm xanh thiện nguyện cho đời. Có lẽ, trong chiến tranh, những người lính này sẽ bộc lộ bản chất của mình trong chiến đấu. Khi hết chiến tranh, người lính mặc dù trở về với đời thường, nhưng bao giờ cũng mang một bản chất truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam. “Những người lính vẫn hăng hái, say sưa thực hiện nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực mới, đặc biệt là thực hiện tốt những chủ trương chính sách Đảng, nhà nước, bảo vệ nhân dân và những phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương”, ông Đặng Vũ Hào, Trưởng ban Tuyên giáo Hội CCB TP Đà Nẵng nhìn nhận.