Vượt khó
Đồng Tháp Mười có diện tích gần 700.000 ha, nằm bên tả ngạn sông Tiền, trải rộng qua 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, trong đó phần diện tích trên địa bàn tỉnh Long An hơn một nửa. Những năm sau ngày đất nước thống nhất, Đồng Tháp Mười chẳng khác vùng đất chết với khóm ấp xơ xác, toàn lau sậy. Mùa khô, nắng cháy rát da, ruộng đồng nứt nẻ, đất dậy phèn đỏ quạch; mùa mưa, nước lũ tràn về trắng đồng. Việc nuôi trồng, làm ăn của người dân nơi đây gặp muôn ngàn khó khăn.
Ông Cao Văn Sáng, 60 tuổi, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), nhớ lại, 40 năm trước, ở vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh” này, mỗi năm bà con chỉ làm được một vụ lúa, do hệ thống thủy lợi chưa có. Trồng lúa không đủ ăn, bà con chuyển sang làm rau màu nhưng cũng không hiệu quả do phèn. Sản phẩm làm ra chất lượng thấp, đi lại khó khăn, thương buôn đến mua với giá rẻ mạt. Cuộc sống vất vả vô cùng, không ít lần ông và nhiều hộ dân trong vùng có ý định bỏ xứ. Nhưng vì yêu quê hương, mọi người vẫn bám trụ, thích nghi, học tập kinh nghiệm từ nơi khác, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất…
Từ đó, nhiều mô hình sản xuất mới ra đời, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều năm chuyển đổi cây trồng, từ lúa sang mì, đến chanh vẫn không hiệu quả, năm 2022, ông mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng làm đất, vét mương, đầu tư 8ha khóm. Kết quả, mỗi năm trừ chi phí sản xuất, ông Sáng “bỏ túi” hơn 1 tỷ đồng. “Từ chỗ nghèo khó, nay gia đình tôi khấm khá, xây được nhà lớn khang trang, con cái ăn học đề huề”, ông Sáng bày tỏ.
Sinh ra và lớn lên ở huyện biên giới Vĩnh Hưng (Long An), ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, chứng kiện sự đổi thay từng ngày trên quê hương Đồng Tháp Mười.
Theo ông, để “Cánh đồng hoang Tháp Mười” ngày nào thành “vựa lúa” của cả nước hôm nay, bên cạnh sự nhẫn nại, chịu khó người dân trong sản xuất, nuôi trồng, còn có sự quan tâm, những quyết định táo bạo của Trung ương, các địa phương trong vùng trong việc đầu tư hạ tầng, kênh mương thủy lợi. Đầu tiên là kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, được Trung ương cho đào và đưa vào vận hành năm 1984. Con kênh đã dẫn nước ngọt phù sa từ sông Tiền về Đồng Tháp Mười để tháo chua, rửa phèn.
Nhờ đó, các cánh đồng lúa dần lớn ra, diện tích đất bỏ hoang ngày càng hẹp lại. Đến năm 2000, Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai xây dựng các cụm, tuyến dân cư để bà con khỏi chạy lũ hàng năm. Sẵn có tuyến dân cư, người dân kết hợp làm đê bao ngăn lũ, lúc này làm được 3 vụ lúa 1 năm, thay vì 1 vụ như trước. Hơn 40 năm qua, diện tích lúa, sản lượng lúa và chất lượng hạt gạo ở Đồng Tháp Mười không ngừng tăng lên. Nếu như năm 1975, sản lượng lúa ở Đồng Tháp Mười chỉ khoảng 260.000 tấn/năm, thì đến năm 1998 tăng lên 1 triệu tấn và nay đạt hơn 3 triệu tấn.
Các tên gọi như “túi phèn”, “rốn lũ”, “cánh đồng hoang” đã đi xa vào quá khứ, giờ đây Đồng Tháp Mười được khắp nơi biết là “vựa lúa miền Tây”, “vùng chuyên canh cây ăn quả”… “Đồng Tháp Mười vậy mà ngon, giờ đây hầu hết bà con đã thoát nghèo, nhiều gia đình khấm khá, đường sá thì khang trang, đi lại dễ dàng. “Túi phèn” đang từng ngày thay da đổi thịt…”, ông Nguyễn Thanh Truyền phấn khởi cho biết.
Trái ngọt
Về Tháp Mười, Tam Nông (Đồng Tháp), Tân Thạnh, Thạnh Hóa (Long An) những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi không chỉ thấy những cánh đồng lúa xanh mướt bạt ngàn, sâu trong những khóm ấp còn có những vườn sầu riêng, bưởi da xanh, mít thái… trĩu quả. Nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, không ít “nông dân” ở đây đã và đang trở thành đối tác lớn của các công ty xuất khẩu nông sản đi nước ngoài.
Là hộ đầu tiên trồng sầu riêng ở huyện Tân Thạnh, bà Đỗ Thị Bay ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh (Long An) chia sẻ, sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao nhưng khó trồng, chăm sóc, rất “kén” thổ nhưỡng, khí hậu, không chịu được phèn. Sau khi thực tế nhiều nơi đã trồng, như Cai Lậy (Tiền Giang), Cẩm Mỹ (Đồng Nai), Đạ Huoai (Lâm Đồng)…, thấy có một số điểm tương đồng về thổ nhưỡng, vợ chồng bà Bay mạnh dạn đầu tư 300 gốc sầu riêng trên 2ha lúa trước đây.
“Hai năm đầu, việc chăm sóc vườn sầu riêng rất gian nan, cây thường xuyên bị xì mủ, cháy lá, một số bị khô héo, chết. Tìm hiểu, thấy mình chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, vô phân - nước không đủ lượng, nước tưới còn phèn. Rút kinh nghiệm và điều chỉnh dần dần ở khâu chăm sóc, cuối cùng vườn sầu riêng cũng cho trái ngọt. Tuân thủ nghiêm quy trình, kỹ thuật sản xuất, 2 năm trước, vườn sầu riêng của gia đình tôi được ngành chức năng cấp mã số vùng trồng. Hiện tôi đã ký hợp đồng với công ty xuất khẩu, mình đảm bảo chất lượng trái, đến vụ bên mua cho người thu hoạch. Doanh thu mỗi vụ khoảng 3 tỷ đồng, trừ chi phí công cán, phân thuốc, tôi còn hơn một nửa”, bà Bay chia sẻ.
Trong 6 năm qua, hộ ông Hồ Văn Đực, ở xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa (Long An), cũng vươn lên làm giàu khi chuyển đổi 3ha lúa 2 vụ sang trồng bưởi da xanh. Có được kết quả này là nhờ chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư khép kín hệ thống kênh mương thủy lợi để rửa phèn, cung cấp đủ nước ngọt sản xuất. Ngành nông nghiệp thường xuyên tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí. Hiện, mỗi hécta đất trồng bưởi, gia đình ông thu được 20 tấn trái, bán 25.000 đồng/kg. Mỗi vụ, trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu hơn 600 triệu đồng.
Ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (Long An), cho biết, nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, hiện đã có hàng trăm hộ dân từ chỗ khó khăn, nay đã thoát nghèo, rất nhiều hộ khá giả, vườn lên làm giàu, có của ăn của để. Theo chủ trương của UBND tỉnh Long An, huyện Thạnh Hóa đang tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu với tổng diện tích khoảng 750ha. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức sản xuất cho người dân, địa phương cũng đang có kế hoạch mở rộng kênh 61 để đảm bảo cung ứng nước tưới, hạ tầng lưu thông thủy; xây dựng kho chế biến 250m2; củng cố các hợp tác xã, doanh nghiệp để phục vụ công tác tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết, việc chuyển đổi cây trồng, chuyển từ trồng lúa sang cây ăn trái trên vùng Đồng Tháp Mười bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tuy nhiên việc liên kết tiêu thụ còn hạn chế do người dân sản xuất nhỏ, lẻ, chưa tập trung. Trước thực tế này, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.
Mục tiêu của đề án, đến năm 2025 sẽ hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả khoảng 10.500ha. Song song đó, hình thành 4 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; thành lập mới 4 hợp tác xã cây ăn quả, tăng cường năng lực cho ít nhất 8 hợp tác xã nông nghiệp trong vùng nguyên liệu.
Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đặt ra, ngành nông nghiệp tỉnh Long An lưu ý, người dân chỉ chuyển đổi và phát triển các loại cây ăn quả theo đúng quy hoạch kết hợp phát triển hạ tầng tương ứng, bảo đảm tính thích nghi với điều kiện đất đai, nước tưới. Không nên tự ý chuyển đổi cây trồng một cách ồ ạt, sẽ dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, chất lượng, sản lượng không bảo đảm, thiệt hại về kinh tế.