Vì yêu mà đến
Cơ duyên đưa Quốc Nam đến với Sài Gòn Xanh rất tình cờ. Trong một lần đi làm về, thấy nhóm dọn rác trên kênh Hy Vọng (quận Tân Bình, TPHCM), Nam nhắn tin qua fanpage của nhóm. Một giờ sau, anh nhận được phản hồi và tham gia từ ngày 13-2, chỉ hơn 2 tháng sau khi nhóm được thành lập (đầu tháng 12-2022).
Mấy tháng trời, Nam gần như đều đặn tham gia dọn rác vào mỗi sáng thứ tư và chủ nhật hàng tuần. Vượt lên những nguy hiểm và độc hại, Quốc Nam đã thuyết phục ba mẹ cho phép tiếp tục công việc tình nguyện này vì đơn giản nó góp phần giúp thành phố thêm xanh, sạch, đẹp.
Với hầu hết các tình nguyện viên, họ đến với Sài Gòn Xanh đều bắt đầu từ một chữ “duyên” như thế. Nguyễn Thanh Nhi (sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Sài Gòn) biết đến nhóm thông qua sinh viên trong trường hồi tháng 5 và từ đó luôn có mặt vào mỗi sáng chủ nhật.
Lê Hồng Diệp (sinh viên năm 2, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM) cũng đến với Sài Gòn Xanh qua một clip tuyển tình nguyện viên trên TikTok. Hiện tại, Diệp được phân về ban điều dưỡng và hậu cần.
Hồ Văn Vĩ (23 tuổi, quê Đắk Lắk), đồng sáng lập nhóm Sài Gòn Xanh, cho hay: “Ở Sài Gòn đến năm thứ 7, em muốn làm gì đó có ích cho xã hội. Vì yêu Sài Gòn, em cùng Nguyễn Lương Ngọc quyết tâm bắt tay vào làm”. Hành trình của Sài Gòn Xanh ban đầu chỉ gồm 2 thành viên đã ra đời như thế. Ban đầu, Vĩ và Ngọc tự bỏ thời gian, kinh phí và chỉ đi nhặt rác khô. Thiếu thốn đủ thứ, đồ bảo hộ không có nhưng nhóm xác định, ai có gì góp nấy và quyết tâm không bỏ cuộc.
Khi số lượng thành viên tăng lên 5 người rồi 20 người, nhóm bắt đầu dọn rác trên kênh, rạch. Chỉ sau hơn 6 tháng, nhóm đã có gần 400 tình nguyện viên, gồm cả người nước ngoài, với thành quả: tổ chức hơn 80 buổi thu gom rác, dọn sạch hơn 50 tuyến kênh rạch trong thành phố với hơn 1.000 tấn rác thải.
Các thành viên ngâm mình dưới dòng kênh đen để dọn sạch rác. Ảnh: Sài Gòn Xanh |
Dấu chân, mồ hôi của Sài Gòn Xanh đã đặt đến nhiều nơi như: chân cầu Suối Nhum, rạch Hiệp Bình Chánh, (TP Thủ Đức); rạch Lăng, rạch Xuyên Tâm, Đinh Bộ Lĩnh, Cầu Sơn (quận Bình Thạnh); kênh Hy Vọng, Tân Trụ, Đồ Sơn (quận Tân Bình); kênh Hàng Bàng (quận 5); kênh Thạnh Lộc 31 (quận 12)…
Ngày 25-6 vừa qua, nhóm kết hợp với nhóm Gò Công Xanh tổ chức thu gom, dọn rác tại cầu Rạch Mùng (Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Hành động đẹp được lan tỏa, được nhiều mạnh thường quân chung tay góp sức, bằng cả hiện kim, hiện vật.
Chuyện nhỏ bên những dòng kênh
Một ngày tháng 6, trong cái nắng như đổ lửa, khoảng 70 bạn trẻ, gồm cả sinh viên một số trường đại học có mặt tại kênh Hàng Bàng (đường Vạn Tượng, phường 13, quận 5, TPHCM). Sau khi tập hợp thành viên, phổ biến kiến thức cơ bản, phân chia công việc, các bạn trẻ không ngần ngại bước xuống dòng nước đen ngòm, đặc kín rác thải khi mặt trời đã chói chang. Mỗi bước chân lội xuống kênh, dòng nước đen cuộn lên, bốc mùi hôi nồng nặc.
Dưới nước, nhóm chia thành 3 tốp, tỏa ra đi dọn rác các khu vực khác nhau. Trên bờ, những túi rác chuyền tay các bạn trẻ, sẵn sàng vận chuyển lên xe do phường bố trí với sự hỗ trợ của dân quân tự vệ và các nhân viên thu gom rác. Tất cả đều rất nhuần nhuyễn.
Đứng trên bờ kênh nhìn xuống dòng nước, anh Tân (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) không khỏi cảm phục: “Trời thì nắng, mình đứng trên bờ còn muốn tắt thở, nhìn các em, có đứa đầu trần ngâm mình, lội nước dọn rác thấy thương gì đâu. Thương bao nhiêu, tôi càng giận những người vô ý thức xả rác xuống kênh bấy nhiêu. Đã có xe thu gom rác tận nhà, không biết họ nghĩ gì mà vứt rác bừa bãi thế. Mùi hôi thối đã đành, dưới dòng kênh kia còn nhiều nguy hiểm rình rập”. Trong khi đó, tình cờ biết đến nhóm qua mạng xã hội, chú Phan Nhật Hưởng, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, đã có nhiều buổi rong ruổi theo nhóm để ghi lại những khoảnh khắc bình dị nhưng rất đẹp.
“Tôi nhớ, có lần một cô bé khi nhặt rác lượm được một chiếc kim tiêm. Sau khi bọc lại cẩn thận, cô bé vẫn kéo rác, nước văng tùm lum lên mặt mà vẫn cười tươi trên dòng kênh đen”, chú Hưởng chia sẻ và cho biết nụ cười ấy khiến chú nhớ mãi và vẫn thường xuyên bắt gặp trong mỗi lần đồng hành.
Dọn rác dưới những dòng kênh, nước tràn vào đồ bảo hộ chỉ là chuyện nhỏ. Ám ảnh lớn nhất với Văn Vĩ ngay trên kênh Hàng Bàng là nhiều hộ dân không xây bể phốt nên vừa dọn rác, nhóm đồng thời chịu trận cảnh mấy chục hộ dân xung quanh đồng loạt xả thải. Còn theo Hồng Diệp, một số tình nguyện viên từng bị các vật sắc nhọn đâm vào hay gặp phải kim tiêm. Cụ thể là Quốc Nam đã từng bị mảnh chai đâm vào chân, xuyên qua đồ bảo hộ và lập tức được các thành viên đưa lên bờ sơ cứu.
Lan tỏa việc tử tế
Theo Hồ Văn Vĩ, công việc nguy hiểm, độc hại nên các thành viên phải luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu. Anh cho biết, các tình nguyện viên muốn tham gia dọn rác đều phải tiêm đầy đủ 3 loại vaccine: thương hàn, uốn ván, tả. Ngoài ra, họ được phát miễn phí PrEP - thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng, ngăn ngừa lây nhiễm HIV.
Trước khi tham gia, các thành viên cũng được trang bị kỹ lưỡng 3 lớp găng tay, đồ bảo hộ chuyên dụng xuống nước, xịt cồn, thuốc xịt muỗi... “Nhóm hay nói đùa, ban y tế chỉ mong thất nghiệp, vì không có ai bị thương để phải chăm sóc”, Hồng Diệp cười, nói.
Tuy nhiên, không hẳn lúc nào công việc của nhóm cũng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Trong buổi dọn rác trên kênh Hàng Bàng, khi hỏi một vài hộ dân sống xung quanh, có người lắc đầu từ chối, người thì nói “việc bình thường thôi, có gì đâu”. “Nếu nói không có khó khăn là không đúng. Chúng tôi có gặp trường hợp số ít người dân đi ngang qua nói làm cũng vô ích, xong rồi họ lại xả rác, coi như công sức của nhóm là công cốc. Ban đầu nhóm cũng buồn, nhưng sau thấy bình thường”, Hồ Văn Vĩ tâm sự.
"Thông điệp chúng tôi muốn truyền tải là “nhặt rác để sống khác”. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ dọn sạch các kênh, rạch. Chúng tôi muốn cho nhiều người thấy bản thân chúng ta cần làm gì đó cho môi trường, xã hội. Chúng tôi thấy vui vì hành động của mình có người hưởng ứng, đồng tình và thậm chí họ hứa sẽ không xả rác bừa bãi"
Hồ Văn Vĩ, đồng sáng lập nhóm Sài Gòn Xanh
Lê Hồng Diệp cũng cho biết, đôi khi cô cảm thấy chạnh lòng vì nhiều người vẫn xả rác bừa bãi và mặc nhiên coi dọn rác là trách nhiệm của Sài Gòn Xanh. Trên thực tế, có những con kênh, rạch được dọn sạch, thời gian sau quay trở lại, rác hoặc bị xả hoặc do nước đẩy về lại chật kín. “Tôi chỉ mong mọi người luôn ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Chỉ là 1 ly nhựa, 1 bao ni lông cũng có thể góp phần làm tắc nghẽn dòng kênh”, Quốc Nam bày tỏ.
Dù còn nhiều gian nan nhưng theo chia sẻ của Hồ Văn Vĩ, trong tương lai, Sài Gòn Xanh phát triển rộng hơn các hoạt động về môi trường như tìm hiểu phương pháp xử lý nguồn nước, không khí, trồng thêm cây xanh... Anh cho biết: “Chúng tôi sẽ làm theo từng bước, từng giai đoạn, kết hợp thêm với các hội nhóm khác, vừa làm vừa tuyên truyền để tăng hiệu quả và sức lan tỏa”.
Không chỉ dọn rác ở kênh rạch, trong những cơn mưa tầm tã kèm theo dông lốc, nhiều thành viên trong nhóm đã chọn “đi giải cứu những con đường khỏi tắc ngập do nghẹt cống gây cản trở giao thông”. Họ thấy điều đó còn tuyệt vời hơn là ở nhà đắp chăn ngủ.