Tại chi nhánh Văn Lang, Ngân hàng Á Châu có một cô bé có nụ cười mê hồn… chuyện có thật 100 phần trăm. Đó là chuyện cách nay chừng ba ngày, người viết bài này ngẩn ngơ vì chuyện lạ. Thôi thì, phải kể có đầu có đuôi…
Cách đây chừng một năm, vào một buổi chiều, tôi đến Ngân hàng Á Châu ACB để gởi tiết kiệm sau khi lãnh được một khoản nhuận bút từ bộ tiểu thuyết với số tiền kha khá… Thủ tục đơn giản, nghiệp vụ thành thạo, tôi chỉ ngồi chờ chừng 10 phút nhận được bìa sổ tiết kiệm màu xanh, dòng chữ ACB hết sức ấn tượng.
Đến khi… mở ra, tôi hết sức ngỡ ngàng, ngày ghi trên sổ được tính cho ngày hôm sau. Tôi đã bước ra đến cửa, chỉ một bước nữa là ra ngoài.
Bỗng ý nghĩ mình bị “ăn gian” ám ảnh, tôi quay trở lại gặp cô bé ở quầy số 4 hỏi: “Sao thế này?”. Cô bé trả lời: “Bây giờ đã tới giờ tính cho ngày mai”.
Bực mình, tôi hỏi tới: “Ngày mai bắt đầu từ 0 giờ kia mà?”. Một giọng nói rất nhẹ nhàng: “Thưa, Ngân hàng Á Châu… Thôi, mời chú đến đây”. Tôi theo cô bé dáng nhí nhảnh, bộ áo dài màu xanh, tóc ngắn… Đến quầy kiểm soát viên lại gặp một cô bé khác khá xinh xắn, tóc dợn màu hơi vàng, có cặp mắt to, đôi lông mày thật sắc sảo, miệng mím lại, có duyên ngầm. Có lẽ, biết sẽ gặp một ông khách sẵn sàng sinh sự, cô bé nghe nhiều hơn nói, sau một hồi chất vấn khá gay gắt của tôi về thời gian, tôi gặng hỏi: “Giờ Việt Nam mấy giờ chuyển sang ngày hôm sau?”.
Cô bé trả lời: “Thưa chú, 12 giờ đêm”. Tôi tiếp luôn: “Bây giờ, mấy giờ?”. Cô bé đáp ngay: “Thưa chú, bây giờ là 5 giờ chiều”. Chà! Cô bé trả lời thật chính xác, không lẫn vào đâu được, “12 giờ đêm”, “5 giờ chiều”, thật là… Rõ ràng, có điều gì đó tôi không biết hoặc không hiểu. Nhưng, những điều thắc mắc vẫn cứ tràn ngập, tôi không thể nào dừng, bèn hỏi tiếp: “Vậy, vì sao mới có 5 giờ chiều lại tính cho ngày hôm sau?”.
Cô bé không cười, tất nhiên là rất nghiêm chỉnh, đôi mắt mở to rất xinh, nhìn thẳng vào mắt tôi không chút bối rối: “Thưa chú, có lẽ chú chưa xem bảng cáo thị ở cổng”. Tôi hỏi chỉ để hỏi: “Cổng nào?”. Cô bé làm cho tôi rối loạn thật sự. Tôi chờ đợi một lời gì đó trách móc hoặc nhẹ hơn, một lời cảnh cáo một người lơ đễnh còn làm phách.
Nhưng, không hề có chuyện đó, cô bé gọi một cô nhân viên khác đến dẫn tôi đi xem bảng cáo thị. Tất nhiên là tôi không cần đi, tôi lặng lẽ chào cô bé, đi về… Ra cổng, dắt xe, tôi ngoái lại, quả là có một bảng cáo thị, nói rõ từ 16 giờ 30 trở đi sẽ làm việc và tính cho ngày hôm sau.
Người ta có lý do để làm chuyện đó, bởi 16 giờ 30 là hết giờ làm việc chính thức của ngày hôm nay. Tôi ngồi trên xe mà lòng với bao… nỗi gì nhỉ? Mắc cỡ hoặc tự trách mình hay cái gì nữa lớn hơn…
Cho đến hôm kìa, tôi đến để lấy tiền lời, chắc là cô bé kiểm soát viên đã thấy tôi đứng ở quầy số ba, cách nơi cô ấy ngồi chỉ khoảng vài mét, thủ tục đã xong, tôi trở về, đi ngang qua quầy kiểm soát viên, bất chợt tôi nhìn cô bé… Thật bất ngờ, cô bé nheo mắt, nở nụ cười khiêm nhường, tôi nhìn vào… Ôi! Một nụ cười mê hồn, đôi môi xinh như câu “Hoa cười, ngọc thốt…” mà cụ Nguyễn Du đã viết để khen Thúy Kiều.
Hèn gì ACB là một ngân hàng cổ phần số một Việt Nam bởi có những nhân viên biết nói, biết cười một cách chuyên nghiệp. Tôi đã nói với bạn tôi: “Ở ACB có thể tin được, ở đó có những dịch vụ chuyên nghiệp, những nhân viên chuyên nghiệp. Tôi tin là họ sẽ còn thành công lớn hơn những gì mà họ mong đợi”.
Lê Thành Chơn