NTK Sĩ Hoàng: Mặc áo dài là niềm tự hào của người Việt

Ngày 5-3, Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 7 tổ chức Tọa đàm chủ đề “Áo dài - Niềm tự hào của người Việt” cùng Triển lãm ảnh nghệ thuật “Duyên dáng áo dài” tại Cơ sở 2 (Số 2 Nguyễn Đổng Chi, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM).

z5218654248300-e53aab504878f6a274328240255fd4cf-4366.jpg
Tọa đàm “Áo dài - Niềm tự hào của người Việt”

Tham dự tọa đàm có Tiến sĩ – Chuyên gia Tâm lý Lý Thị Mai, Thạc sĩ Nghệ thuật Lê Sĩ Hoàng - Nhà Thiết kế áo dài, nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài. Thông qua buổi tọa đàm, công chúng có thêm nhiều kiến thức, tình cảm đặc biệt dành cho chiếc áo dài, qua đó tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của chiếc áo dài Việt Nam và lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Toạ đàm cũng góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Tại tọa đàm, NTK Sĩ Hoàng chia sẻ thông tin, hình ảnh và câu chuyện của áo dài Việt qua các thời kỳ, đồng thời chia sẻ hành trình bảo tồn và phát huy áo dài. Anh nói: “Mặc áo dài không chỉ là góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc mà còn là trách nhiệm công dân, Không chỉ mặc cho mình mà còn vì thể hiện chủ quyền trang phục nước mình, thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc. Áo dài là một trang phục nặng tình. Khi tôi càng thương tôi càng cẩn trọng trong các thiết kế, chứ không dám tùy tiện. Thương áo dài như một người hiểu văn hóa với niềm tự hào về chiếc áo truyền thống của người Việt”.

Tiến sĩ Lý Thị Mai cũng bày tỏ: “Ngày xưa xuống phố, ra đường là thấy áo dài. Tiểu thương buôn gánh bán bưng ngoài chợ cũng mặc áo dài. Áo dài Việt Nam mình đẹp lắm! Muốn thương áo dài thì phải hiểu. Khi tôi đi công tác nước ngoài, các vùng xa xôi thấy rất rõ yếu tố văn hóa của trang phục quan trọng vô cùng. Văn hóa mặc áo dài là điều cần được lan tỏa nhiều trong hiện nay. Có người hỏi tôi có lo lắng gì về sự cách tân áo dài hay không? Tôi chỉ nghĩ rằng nếu không có biến động, không có thay đổi thì không phải là lịch sử. Áo dài của nước ta có sự cách tân phù hợp, ngày càng đẹp, đa dạng mẫu mã, phong phú chất liệu…”.

z5218671650277-0ff1b429c39ad8f22682140e1ce8ad2f-1624.jpg
NTK Sĩ Hoàng chia sẻ về tình yêu áo dài và khẳng định mặc áo dài cũng là một trách nhiệm giữ gìn nét đẹp văn hoá Việt
z5218425688852-a8e12a1b01beda80cdc840385289fdbf-4170.jpg
z5218654281175-d24fcb2619b8b029c7421f163827a1a2-6074.jpg
Tiến sĩ Lý Thị Mai và các khách mời giao lưu, chia sẻ về áo dài

Song song toạ đàm, Triển lãm ảnh nghệ thuật “Duyên dáng áo dài” do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ Hải Âu - Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM tổ chức giới thiệu những khoảnh khắc đẹp của người phụ nữ Việt Nam với trang phục áo dài. Bằng nhiều chất liệu, màu sắc, đường nét, thiết kế khác nhau… chiếc áo dài luôn vẹn nguyên giá trị và đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Triển lãm góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gắn liền với hình ảnh chiếc áo dài trong đời sống, con người Việt Nam qua các thế hệ. Triển lãm được trưng bày tại Sảnh triển lãm - Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM từ nay đến hết ngày 29-3.

z5218427090219-2b298719eafe1417ddc05e9b98bd8fd4-2108.jpg
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Duyên dáng áo dài” thu hút nhiều người quan tâm

Trong tháng 3, Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng đến chào mừng kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và hưởng ứng Lễ hội Áo dài TPHCM.

Chương trình với nhiều nội dung đa dạng, phong phú, diễn ra từ ngày 5 đến ngày 29-3 tại 2 cơ sở của Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM, gồm: Tọa đàm “Áo dài - Niềm tự hào của người Việt”; Triển lãm ảnh nghệ thuật “Duyên dáng áo dài”; Chuyên đề hướng dẫn trang điểm và tạo kiểu tóc ứng dụng dự tiệc chủ đề “Make up thật xinh - tự tin tỏa sáng” (6-3); Hội thi Trang trí Thiệp “Trao gửi yêu thương” (7-3); Triển lãm “Hoa tay” trưng bày các sản phẩm do giáo viên và học viên Bộ môn Cắt may - Thêu - Đan, móc và Bộ môn Trang trí mỹ thuật Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM thực hiện (từ ngày 6 đến ngày 20-3)…

Tin cùng chuyên mục