* PHÓNG VIÊN: Khẳng định tài năng bằng giải thưởng cao nhất cuộc thi Chuông vàng vọng cổ HTV khi mới 17 tuổi, Lâm đã phấn đấu như thế nào để trưởng thành trong nghề nghiệp, nuôi dưỡng niềm đam mê sân khấu?
* NSƯT VÕ MINH LÂM: Tôi tham gia và đoạt giải Chuông vàng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ của Đài Truyền hình TPHCM năm 2006, đánh dấu sự khởi đầu thuận lợi đến với nghệ thuật sân khấu cải lương, nối nghiệp ba mẹ. 19 năm qua, tôi luôn nghĩ, tuổi thanh xuân của người nghệ sĩ qua nhanh lắm, mình nhận lời tham gia trong vài ba vở tuồng là đã qua hết một năm. Vậy nên, qua từng vở diễn, vai diễn, tôi luôn lắng nghe những lời nhận xét từ mọi người và rút ra cho bản thân những bài học kinh nghiệm nghề quý giá. Tôi cũng luôn tự nhắc nhở mình vẫn chưa giỏi nghề, vẫn phải tiếp tục học hỏi, rèn luyện nhiều hơn. Đến giờ phút này, tôi cũng rất hãnh diện vì mình đã làm được điều mà ba mẹ trông đợi, kỳ vọng, tiếp nối được con đường nghệ thuật mà ba mẹ dang dở.
* Là nghệ sĩ trẻ, Lâm có tâm tư và trăn trở gì về hoạt động phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống hôm nay?
* Sân khấu truyền thống đã qua thời hoàng kim, nhưng nhiều người trẻ như tôi vẫn đang tiếp tục gắn bó, nỗ lực để được sống bằng nghề. Chúng tôi đang cùng góp sức lan tỏa tình yêu nghệ thuật cải lương truyền thống đến với đông đảo khán giả, nhất là với các bạn trẻ, thông qua các vở diễn tại sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, các sân khấu biểu diễn nghệ thuật, cũng như ở các sản phẩm đăng tải trên các kênh YouTube, Fanpage, các nền tảng xã hội... Tuy nhiên, công nghệ phát triển cũng như con dao hai lưỡi, nếu người nghệ sĩ cứ chiều theo thị hiếu của công chúng thì rất dễ làm ảnh hưởng đến định hướng thẩm mỹ nghệ thuật của chính nghệ sĩ và của công chúng, đơn vị nghệ thuật cũng dễ phát triển lệch hướng.
Lĩnh vực sân khấu truyền thống hôm nay cần lắm những cánh chim đầu đàn, những người có đủ tầm, đủ tâm, đủ lực, để giúp định hướng thưởng thức nghệ thuật sân khấu của khán giả trẻ. Với những nghệ sĩ trẻ có tài, cũng cần được định hướng đúng để phát triển ngày một tốt hơn.
* Hiện Lâm có mong muốn gì để tiếp tục phát huy niềm đam mê sân khấu?
* Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được tham gia trong nhiều vở diễn sân khấu cải lương lịch sử, cách mạng, truyền thuyết, dân gian và cả kịch nói. Hiện nay, tôi đang tất bật với các buổi chạy lại vở cải lương cách mạng Người ven đô (đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ), lên sàn tập vở Sấm vang dòng Như Nguyệt (đạo diễn Chí Linh), bên cạnh đó, tôi đang tập vở kịch thiếu nhi Thiên thần nhỏ của tôi (đạo diễn Việt Linh - Võ Cẩm Tiên) và ôn lại vở kịch Tiếng chim vườn ngọc (đạo diễn Minh Nguyệt)… Trong đó có hai vai diễn lạ là vai Hoàng Vũ trong Tiếng chim vườn ngọc và vai ông Bảy Đờn trong Người ven đô. Với hai vai diễn này, tôi đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, khai phá tính cách, hình thể để khi hóa thân vào vai diễn, người xem cảm nhận được sự chân thật của nhân vật trên sân khấu: một Hoàng Vũ có vẻ bề ngoài mạnh mẽ nhưng bên trong yếu mềm với khát khao hạnh phúc; một Bảy Đờn đầu đã bạc nhưng khí khái anh hùng luôn ngự trị trong tim, mạnh mẽ và hừng hực như người trai trẻ.
Trong năm nay, tôi cũng sẽ tốt nghiệp lớp đạo diễn sân khấu khóa K2 (2020-2024) của Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM. Tôi đang ấp ủ thực hiện một vở diễn đặc biệt, là đứa con tinh thần đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt mới trong vai trò đạo diễn sân khấu.
* Là một nghệ sĩ trẻ, Lâm có suy nghĩ như thế nào về việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sáng tạo ở lĩnh vực sân khấu?
* Lĩnh vực sân khấu hiện vẫn chưa có nhiều đơn vị phát huy được công nghệ 4.0 trong dàn dựng các tác phẩm hay đưa công nghệ mới hỗ trợ hiệu quả cho công tác tổ chức biểu diễn. Ngày xưa, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng khi dàn dựng cảnh trí, các đạo diễn, các anh chị hậu đài kỳ cựu, giỏi nghề vẫn sáng tạo được nhiều kỹ thuật dàn dựng độc đáo, tạo nên những hiệu ứng đặc biệt, làm khán giả mãn nhãn. Ngày nay, sân khấu sử dụng nhiều tính ước lệ, đơn giản, cách điệu hóa, nên vấn đề đặt ra là cần có sự kết hợp với công nghệ hiện đại để đạt được hiệu quả tích cực và chất lượng nhất, từ âm thanh, ánh sáng, màn hình led..., làm sao vẫn giữ được nét đẹp truyền thống mà vẫn hấp dẫn, gần gũi với xu hướng giải trí thời đại mới. Hiện đại và truyền thống phải là sự kết hợp hài hòa, bổ trợ để tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc và sự thăng hoa cho toàn bộ vở diễn.
Theo tôi, còn một vấn đề nữa là cơ sở vật chất các rạp hát hiện vẫn thiếu tính hiện đại, quy mô, chi phí đầu tư dựng vở còn hạn hẹp, thế nên việc áp dụng công nghệ vào các vở diễn cũng là vấn đề nan giải với người làm nghề. Tôi nghĩ, trong tương lai gần, với trình độ ngày càng giỏi chuyên môn, giỏi công nghệ, nếu được đầu tư tốt, chúng ta sẽ dàn dựng được những tác phẩm sân khấu mang tính chất bùng nổ, tạo dấu ấn là vở diễn sân khấu truyền thống sử dụng và phát huy hiệu quả công nghệ hiện đại.
* Là một trong những nghệ sĩ trẻ nhất nhận danh hiệu NSƯT, sự công nhận đó sẽ là động lực thế nào cho Lâm trên con đường hoạt động nghệ thuật?
* 19 năm theo nghề, tôi đã nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý từ các liên hoan hội diễn chuyên nghiệp, các giải thưởng của các đơn vị truyền thông, vào tốp 10 gương mặt Việt Nam tiêu biểu năm 2019..., đó chính là các động lực lớn, là tiền đề để tôi tự tin phát triển, phát huy niềm đam mê nghệ thuật, khẳng định tài năng của mình đối với công chúng và giới chuyên môn.
Danh hiệu NSƯT có lẽ là món quà ý nghĩa nhất đến nay mà tôi muốn dành tặng cho ba mẹ mình. Còn riêng tôi, trên con đường nghệ thuật đã chọn, tôi luôn tự nhủ bản thân phải luôn cố gắng từng ngày để làm tốt trọng trách nối nghiệp ba mẹ, cùng chung sức với các cô chú, anh chị, đồng nghiệp, gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống nước nhà, vượt qua tất cả những khó khăn, tiếp nối và gìn giữ nghệ thuật sân khấu truyền thống ông cha để lại.