Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, ông bố “quốc dân” NSƯT Trung Anh cho rằng, sức hút lớn nhất của phim chính từ sự giản dị, gần gũi và đây cũng là thách thức lớn nhất của diễn viên và ê kíp đoàn làm phim.
PHÓNG VIÊN: Gia đình luôn là đề tài được phim truyền hình khai thác khá nhiều, là người trong cuộc, theo anh lý do gì khiến Về nhà đi con hút khán giả như vậy?
NSƯT TRUNG ANH: Trước hết phải khẳng định Về nhà đi con là một kịch bản tốt. Ban đầu khi được mời, tôi đã từ chối vì nhiều việc quá, song có nguyên kỳ nghỉ tết để đọc kịch bản, tôi đã nhận lời. Với một kịch bản tốt như Về nhà đi con thì không có lý gì tôi lại từ chối.
Khi đọc kịch bản, tôi thấy rất xúc động, không riêng gì tôi mà Thu Quỳnh, Bảo Thanh cũng khóc, vì kịch bản viết tốt, đẩy hoàn cảnh, số phận các nhân vật thật sự éo le, giúp diễn viên có được cảm xúc tốt. Điều đó làm cho diễn viên diễn thoải mái với cảm xúc thật, đặc biệt là nam diễn viên. Nhân vật giả tạo, bảo tôi khóc, tôi cũng không khóc được; có chỗ đẩy cảm xúc, khóc không kìm được. Trong phim, thậm chí tôi còn phải tiết chế bớt, vì ban đầu tính cách ông Sơn ủy mị quá. Những hành động như ngồi viết nhật ký, nhìn ảnh vợ khóc, không phù hợp với một người đàn ông mạnh mẽ, nuôi 3 đứa con gái. Tôi đã đề nghị đạo diễn tiết chế nhiều, có thể bên ngoài ông Sơn ủy mị, nhưng tiềm ẩn là con người cứng rắn mới nuôi được 3 cô con gái với 3 tính cách khác nhau như vậy.
Nhiều người xem nhận định, bộ phim được làm lại, không có nhiều tình tiết giật gân, thậm chí nhiều diễn biến có thể đoán trước. Thực tình, những ngày đầu tiên, chúng tôi cũng không ngờ bộ phim có thể thu hút khán giả đến như vậy. Song tới thời điểm này, cả ê kíp có dịp ngồi lại với nhau đều ngộ ra rằng, chính những điều chân chất, giản dị, sát với thực tế đến nỗi ai cũng có thể thấy mình trong đó đã đưa khán giả đến với phim.
Vai diễn này có phải là đo ni đóng giày cho anh không?
Thực ra không phải đâu. Kịch bản trước đó nhắm tới 2 người khác. Nhưng may mắn cuối cùng vai diễn đó vẫn là mình (cười). Nhiều người nói trêu rằng, vai đó đích thị viết cho tôi, nhưng thực ra kịch bản tốt thì diễn viên nào có kinh nghiệm đều có thể làm tốt được. Ông Sơn trong Về nhà đi con là vai diễn dài hơi dễ gây nhàm chán cho người xem. Nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy, càng dễ bao nhiêu thì lại càng gây khó, vì nó thách thức làm mới, nó dễ khiến cho mình trở nên nhạt nhòa.
Phim có gây khó gì cho anh trong quá trình thực hiện không, khi mà phim được làm theo kiểu vừa chiếu, vừa quay, vừa dò phản ứng của khán giả?
Việc vừa quay, vừa chiếu, khác nhiều so với làm phim truyền thống, nhưng xu hướng này cũng có nhiều cái hay và có những thách thức. Phim khi chưa phát sóng thì ê kíp làm việc ổn, nhưng khi phát sóng những tập đầu, mọi việc chuyển biến khác đi. Đầu tiên là tâm trạng căng thẳng chờ đợi phản ứng của người xem, rồi khi phim đón nhận được nhiều ý kiến tích cực, chúng tôi cảm thấy hào hứng hơn. Có những thời điểm quay phim 41 ngày liền không nghỉ, nhưng không ai kêu ca phàn nàn vì rất hào hứng. Hiệu ứng tích cực không chỉ tác động mạnh tới diễn viên mà cả ê kíp cũng cùng chung không khí thăng hoa.
Thực tình kiểu làm mới này đẩy diễn viên và ê kíp làm phim vào tình trạng luôn phải căng lên với mỗi cảm xúc. Chúng tôi cũng tự đặt câu hỏi ngược lại, nếu phim không đạt hiệu ứng tốt thì sao? Đó thực sự là con dao hai lưỡi… Song đây là kiểu làm việc chuyên nghiệp, có lẽ nó sẽ ngày càng được áp dụng nhiều hơn.
Liệu cách làm này có buộc đoàn làm phim phải chiều khán giả hơn không?
Với Về nhà đi con, hiện đối tượng được “chiều” đang là diễn viên. Chúng tôi được tham gia góp ý nhiều vào mỗi vai diễn, thường trao đổi các diễn biến tâm lý với đạo diễn, biên kịch. Khi có phản hồi từ khán giả, chúng tôi lại cùng nhau rút kinh nghiệm. Nhưng nói chiều khán giả thì chưa hẳn đúng. Với khán giả, chúng tôi lắng nghe là chính. Hàng vạn ý kiến, giờ chúng tôi biết chiều ai (cười).
Đã một thời gian dài có quan niệm rằng, kịch bản nhập thì nghiễm nhiên là thành công, bởi nó đã qua “thử lửa”...
Thực ra, phim mua bản quyền hay chuyển thể đều được biên tập lại cho phù hợp với cuộc sống của người Việt. Theo tôi, khi đã biên tập lại thì khá tốt, rất thuần Việt. Diễn viên không quá quan tâm kịch bản này trong nước hay mua, mà nội dung tốt không, vai diễn tốt không. Với diễn viên, kịch bản tốt là ưu tiên hàng đầu.
Giữa kịch bản nước ngoài và biên tập lại khác nhau đến 50% - 60%. Sau khi biên tập lại, có nhân vật thay đổi hẳn (như Người phán xử chẳng hạn). Hiện nay có nhiều kịch bản trong nước khá ổn và tôi tin những kịch bản gần gũi với cuộc sống sẽ chiếm được cảm tình của khán giả.