Nhà nghèo, năm 17 tuổi nghệ sĩ Thanh Hoàng đã phải nghỉ học, đi làm thợ hồ để phụ giúp gia đình nuôi các em ăn học. Có lần anh theo công trình đến trường Nghệ thuật Sân khấu II sửa chữa tại đây, nhìn thấy những thanh niên đồng trang lứa đang là sinh viên của trường, anh tự đặt cho mình nhiều câu hỏi với những sự so sánh chông chênh không có lời giải đáp.
Một thời gian sau, người bạn đồng nghiệp thấy trường tuyển sinh đã rủ Thanh Hoàng đi thi cho vui và kết quả Thanh Hoàng thi đậu, anh bén duyên với nghệ thuật từ đó (năm 1980). Tốt nghiệp, anh tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng, gầy dựng nhiều lớp sáng tác kịch bản cho phong trào sân khấu quần chúng tại TTVH Phú Nhuận.
Với lối diễn ấn tượng, có chiều sâu, nghệ sĩ Thanh Hoàng đã tạo cho mình dấu ấn đẹp với khán giả mê kịch nói qua các vai diễn trong vở: Không chỉ là ước mơ, Con nhà nghèo, Nợ đời, Cha yêu... Bên phim ảnh, anh được khán giả chú ý đến qua các vai diễn trong phim: Hai mắt mèo, Sợi dây đai, Cõi tình, Trở về, Blouse trắng…
Không chỉ giỏi nghề diễn, anh còn thành công với vai trò đạo diễn, là nhà biên kịch tâm huyết với nghề, luôn có những sáng tạo độc đáo trong từng tác phẩm nghệ thuật chính kịch, các vở diễn đậm chất Nam bộ xưa, đong đầy tình yêu quê hương đất nước và mang đậm bản sắc con người Nam bộ. Đặc biệt, dấu ấn trong sự nghiệp sáng tạo của anh với hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật kịch nói tại TPHCM chính là vai trò tác giả vở kịch nổi tiếng Dạ cổ hoài lang. Năm 2012 nghệ sĩ Thanh Hoàng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Sự ra đi đột ngột của anh là sự mất mát rất lớn đối với sân khấu kịch nói cũng như phim ảnh TPHCM.
Lễ tang NSƯT Thanh Hoàng được tổ chức tại Nhà tang lễ thành phố, số 25 Lê Quý Đôn, quận 3. Lễ nhập quan lúc 6 giờ ngày 27-7-2018, lễ động quan vào lúc 7 giờ ngày 29-7-2018.