Lúc người ta đổ xô nhau đi kiếm tiền thì chúng tôi cứ mải mê làm nghệ thuật. Nhớ những năm 1980, 1990, phong trào sân khấu quần chúng khởi sắc rực rỡ, thành quả to lớn đó có công sức của anh em chúng tôi cùng chung tay đóng góp, không nề hà khó khăn, vất vả.
Nhắc đến quãng thời gian đầy nhiệt huyết và nhiều kỷ niệm ấy, các sân khấu quần chúng điển hình, những người quan tâm đến hoạt động này thường nhớ ngay đến những dấu ấn rất riêng của từng người trẻ chúng tôi. Ví như quận 11 có Nguyễn Minh Chung, quận 10 có Phương Sóc, quận 3 có Lê Bình, quận Phú Nhuận có Thanh Hoàng...
Chúng tôi thường đại diện quận, tham gia các đợt giao lưu, thi diễn hàng năm của TPHCM, của Bộ VH-TT-DL. Đó cũng là quãng thời gian thật vui, anh em gắn bó với nhau, cùng làm nghệ thuật vì phục vụ chứ không hề nghĩ gì riêng cho bản thân.
Cũng có lẽ vì vậy mà chúng tôi sống vô tư, không nạnh hiềm hay gấu ó, cay cú với nhau vì các giải thưởng. Mỗi người cứ theo đuổi đam mê công việc, luôn cố gắng để có thể hơn nhau trên sân khấu nghệ thuật một cách đàng hoàng.
Và tôi biết Thanh Hoàng qua điều đó.
Rồi từ từ, anh em tụi tôi cũng có vai diễn. Tôi nhớ, khi dựng vở Gái giang hồ quốc tế (đạo diễn Công Ninh, vừa đi học ở Nga về), tôi và Thanh Hoàng chỉ được đóng vai phụ, nhưng lúc đó hạnh phúc vô cùng, vì nghĩ mình không đến nỗi vô dụng với sân khấu.
Về sau, chúng tôi từng bước tiến lên. Hoàng nhờ tướng tá đẹp nên được chú ý, được giao đóng những vai kép phụ. Với Hoàng, anh luôn tìm cách diễn riêng cho mình, đó là sự đạo mạo, sự nghiêm túc, diễn có chiều sâu nội tâm - một cách diễn được Hoàng phát huy đến mãi sau này, định hình cho anh một phong cách nhân vật chính trực. Qua nhiều vở kịch, các vai diễn tạo được dấu ấn với khán giả, anh đã dần tạo tên tuổi của mình trên sàn diễn.
Tôi gọi Hoàng là một tài năng cũng vì ngoài công việc biểu diễn, anh còn là người chọn nhạc cho những vở diễn của nhiều sân khấu ở TPHCM như 5B, Idecaf, Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn và nhiều vở kịch trên màn ảnh nhỏ sân khấu truyền hình HTV. Không chỉ vậy, Hoàng còn làm đạo diễn các vở diễn của nhiều sân khấu và không ít vở kịch truyền hình.
Nói chung Hoàng đa tài, anh chịu khó học hỏi và là người tham công tiếc việc. Anh luôn sẵn sàng lao vào làm tất cả những công việc liên quan đến sân khấu. Sau nữa, anh lại thể hiện sự sáng tạo của mình khi lấn sân sang vai trò tác giả và đạt được sự thành công vang dội với vở Dạ cổ hoài lang.
Khi Thanh Hoàng đảm nhận vai trò Giám đốc Nhà hát kịch 5B, Hoàng hỏi tôi: “Anh có ủng hộ em không?”. Tôi nhớ lúc đó đã cười và nói: “Ủng hộ hay không em cũng là giám đốc, là gánh nặng trên vai đó!”.
Phải nói thiệt, sân khấu lúc đó không còn nhiều người giỏi. Chỉ còn những em, cháu chưa thành danh, nét diễn còn vụng về. Việc gánh gồng một sân khấu như vậy cũng nặng đầu nghĩ suy lắm. Nhưng rồi vì lợi ích chung, chúng tôi đã cùng cố hết sức để sân khấu được sáng đèn. Mấy em, cháu nhỏ có thể còn vô tư, được diễn là vui rồi, nhưng với những người như tôi và Hoàng, đã kinh qua thăng trầm của sân khấu 5B thì để được sáng đèn không đơn giản chút nào.
Có những lúc bất chợt ghé vào văn phòng anh ở 5B đang sáng đèn, tôi thấy một mình Hoàng trầm ngâm, trên tay cầm kịch bản, gương mặt nhiều lo âu, nghĩ suy. Hẳn anh đang đau đáu đủ chuyện quanh hành trình hoạt động và phát triển 5B…
Nhắc những chuyện đã qua với nhiều cảm xúc, tôi muốn kể lại để thấy, để nhớ về một Thanh Hoàng luôn làm việc nghiêm túc từ sân khấu quần chúng đến sân khấu chuyên nghiệp.
Anh nghiêm túc với trách nhiệm của mình, trong tất cả các vai trò: đạo diễn, tác giả, diễn viên, người quản lý, người chọn nhạc... Và tôi nghĩ anh là một nghệ sĩ chân chính, một tài năng của sân khấu thành phố.
Thanh Hoàng vốn sống khá khép kín. Lúc anh bệnh, anh giấu, nhưng rồi cũng có người đoán ra, rồi ai cũng biết, ai cũng mong Hoàng qua khỏi vì Hoàng còn trẻ, sức chống chọi chắc cũng sẽ mạnh hơn. Tôi cũng nghĩ vậy, tôi cũng mong rồi mọi chuyện sẽ qua. Nhưng, khi nhận được tin Hoàng mất qua đạo diễn Hồng Dung, tôi bất ngờ quá.
Tôi và rất nhiều bạn bè đồng nghiệp của anh cảm thấy hụt hẫng! Không thể ngờ Hoàng đi sớm, tuổi Hoàng còn thua nhiều anh em chúng tôi. Con đường nghệ thuật của Hoàng vẫn còn dài. Sự xuất hiện trên phim của Hoàng rất nhiều chứ không phải ít. Nhưng ai ngờ… Hoàng bỏ mọi người đi sớm như vậy, để lại bao luyến tiếc cho anh em, bạn bè, đồng nghiệp!
Thôi thì, đành vĩnh biệt Hoàng! Thân tứ đại cũng phải trả về với trời đất! Sân khấu từ nay sẽ vắng đi một người nghệ sĩ tài năng, đa tài đa dạng. Ngẫm, Thanh Hoàng đã có một cuộc sống rạng rỡ, một cuộc sống không vô ích đối với gia đình, với anh em, bạn bè, đồng nghiệp và với sân khấu.