* PHÓNG VIÊN: Có nhận định, sân khấu kịch nói đang gặp khó khăn chồng chất, đó có là ý kiến chủ quan?
* NSƯT MỸ UYÊN: Sân khấu 5B từng có thời vàng son, có lẽ lúc ấy khán giả không có nhiều sự lựa chọn để giải trí, nên yêu thích kịch nói cũng dễ hiểu. Nhưng theo thời thế, khi giải trí số lên ngôi thì sàn diễn sân khấu gặp rất nhiều khó khăn. Khi xưa, một năm chỉ cần dựng 1-2 vở là sống hoài, đến cận mùa tết mới dựng thêm vở mới.
Bây giờ, tuổi thọ vở diễn chừng 2-3 tháng là vơi khán giả, vậy là phải tìm kịch bản để làm tiếp, phải đặt vấn đề theo xu thế thời đại đang được công chúng quan tâm thì mới thu hút được khán giả đến xem.
Lúc trước, mình làm sân khấu, truyền hình lấy vở của sân khấu để thu hình, phát sóng. Ai đi diễn đều lấy trích đoạn sân khấu đi diễn, các nơi muốn làm chương trình đều phải ngỏ ý lấy nội dung từ sân khấu. Người làm sân khấu chúng tôi cập nhật thời sự, chính trị, văn hóa, xã hội từ báo đài để làm sân khấu. Bây giờ, sân khấu đang phải quay ngược lại học theo các chương trình, gameshow, trên mạng có gì nóng, “hot” để đem về sân khấu dựng với sự chọn lọc phù hợp.
* Giữa thời điểm sân khấu kịch nói gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Sân khấu 5B vẫn sáng đèn, thu hút khán giả. Chị và Sân khấu 5B đã chọn cách tiếp cận khán giả như thế nào?
* Để giữ chân khán giả, Sân khấu 5B cũng khá vất vả tìm kiếm nhiều cách thức để duy trì hoạt động. Trong năm 2020 tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng sàn diễn vẫn ra mắt được một số vở mới, xây dựng chương trình hài kịch tối thứ 5 hàng tuần, mỗi buổi diễn 4 kịch bản hài ngắn, ý nghĩa, phản ánh những vấn đề mà công chúng quan tâm nhất trong đời sống xã hội hiện nay. Bên cạnh đó còn có chương trình kịch thiếu nhi được thực hiện vào sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần dành cho các bé và phụ huynh.
Mỗi ngày, nhịp thở cuộc sống lại khác đi, thế nên sân khấu cứ phải luôn cập nhật, phát triển theo nhịp sống thời đại. Chúng tôi cố gắng đổi mới kịch bản, tìm nguồn khán giả trẻ để làm tươi tắn không gian thưởng thức nghệ thuật ở Sân khấu 5B.
Dẫu vậy, vẫn có những suất diễn do ảnh hưởng các đợt dịch Covid-19 nên bán được chừng 20 vé, tuy có ít khán giả, mình là đầu tàu lèo lái “con thuyền” 5B thì phải dồn hết tâm sức để khởi động tinh thần mọi người. Tuy nhiên, cũng có suất chúng tôi buộc phải trả vé vì không đủ điều kiện lên đèn.
* Chị đang lo lắng điều gì cho sân khấu của mình?
* Trong xu thế tiên tiến và hội nhập, điều kiện cơ sở vật chất sẽ là một trong những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến sức hút khán giả. Cơ sở hạ tầng hiện nay của Sân khấu 5B khá cũ kỹ. Nhiều người bảo, đã có một “ngôi nhà”, giờ không có điều kiện thì nên có sao sống vậy, không nên đòi hỏi cao quá.
Thế nhưng, với nghệ thuật thì không được. Nghệ thuật luôn có sự đòi hỏi nhiều hơn, cao hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng hiện đại của công chúng. Hãy thử tưởng tượng, khán giả mất công đi từ nhà đến Sân khấu 5B, rồi lại phải leo lên tận tầng 3 mới có thể xem kịch, trong khi ở các khu giải trí hiện đại khác, luôn có thang máy phục vụ. Sự bất trắc vì di chuyển này chính là một trong những trở ngại rất lớn với khán giả.
Thực tế, hiện vẫn còn nhiều người lớn tuổi đến Sân khấu 5B xem kịch. Các cô chú còn đến với Sân khấu 5B cũng vì còn yêu thích kịch nói. Tôi rất cảm ơn các khán giả đã nhiệt tình đến với sân khấu, bất chấp sự khó khăn về đi lại, về sức khỏe. Chính cái tình trân quý của khán giả là động lực rất lớn cho anh em diễn viên, nghệ sĩ tiếp tục bám trụ với nghề.
* Trước bao thách thức, Sân khấu 5B cần xoay chuyển ra sao để vừa hợp thời đại, vừa mang chất riêng của một sân khấu thể nghiệm?
* Sân khấu 5B đang cố gắng định hướng phát triển đi theo những cái mới, bắt nhịp hơi thở thời cuộc, gần gũi đời sống. Bên cạnh những vở kịch văn học, nghiêm túc, có tính định hướng, Sân khấu 5B tiếp tục nâng chất các vở kịch giải trí, để có nhiều vở diễn sinh động, đặc sắc, đa phong cách, đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ của khán giả. Chúng tôi cũng đặt hàng các tác giả viết riêng cho sàn diễn những tác phẩm thể hiện được lợi thế của Sân khấu 5B, một sân khấu nhỏ ấm cúng, gần gũi. Liên tục đổi mới kịch mục trình diễn để tạo nhiều sự lựa chọn cho khán giả, cũng là cách làm mà Sân khấu 5B hướng tới. Một khi chất lượng nội dung tốt, diễn viên trẻ đẹp, diễn tốt, khán giả cũng sẽ phần nào quên đi sự nghèo nàn của cơ sở vật chất.
* Đã có những cuộc buông bỏ khỏi Sân khấu 5B, còn chị vẫn đang nỗ lực gắn bó với nơi này cùng nhiều dự định làm nghề, giữ nghề lâu dài. Phải chăng đó là vì tình yêu sâu đậm với sân khấu kịch nói?
* Thật sự, chỉ còn ai yêu nghề thì cứ ráng gồng gánh thôi, vì làm sân khấu thời này đa số là bù lỗ. Đã có rất nhiều nghệ sĩ buông bỏ Sân khấu 5B vì không thể gồng mình chịu trận. Vậy nên chúng tôi chỉ còn mong khán giả yêu thương và đến với sân khấu nhiều hơn. Với thực trạng khó khăn hiện nay, chúng tôi nghĩ cần thiết phải có sự đầu tư xây dựng một thang máy để góp phần giải tỏa cái khó cho Sân khấu 5B, giúp cho khán giả lớn tuổi và cả các em thiếu nhi, trẻ khuyết tật muốn đến xem chương trình kịch thiếu nhi của Sân khấu 5B có cơ hội được thưởng thức. Mấu chốt là đề xuất trên phải được duyệt...
Tôi cũng không còn trẻ nữa. Thời gian qua, tôi đã tự mình buông bỏ nhiều quyền lợi riêng để gắn bó, giữ lửa, thắp sáng đèn sàn diễn 5B, với mong mỏi sân khấu sẽ đón nhận được nhiều hơn sự chung tay làm nghề của anh em đạo diễn, tác giả, nghệ sĩ, bên cạnh là sự động viên ủng hộ của khán giả.
Năm mới đến, tôi chỉ mong bản thân có nhiều sức khỏe, có tinh thần vững vàng để tiếp tục yêu sân khấu và làm sân khấu, tính toán đầu vào, đầu ra để duy trì sáng đèn thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, phải tạo thêm điều kiện cho các bạn trẻ làm kịch thể hiện khả năng. Hễ ai còn có lửa, còn yêu sân khấu thì tôi sẽ trân trọng mời về hợp tác, cùng làm nghề, giữ nghề.