1. Trong gian nhà nhỏ ấm cúng ở quận Gò Vấp (TPHCM), NSƯT Hùng Minh nhớ lại một thời gian khổ. Thuở ấy, cậu trai trẻ Nguyễn Ngọc Minh (tên thật của ông) là con một trong gia đình nghèo nên việc học hành chưa tới đâu. Ý thức phải kiếm việc làm để đỡ đần cho mẹ có từ rất sớm.
15 tuổi, Minh theo bạn bè bưng thùng kem, bánh, kẹo... đi bán dạo. Rồi bạn bè rủ vô Đại Thế Giới (Trung tâm Văn hóa quận 5 bây giờ) để coi người ta hát Hồ Quảng, cải lương. Ông chủ gánh hát thấy có thằng bé thích coi hát nên cho vô coi với điều kiện ngày nào cũng phải rửa tấm bảng viết giới thiệu tuồng. Minh có suy nghĩ muốn xin vô gánh hát làm để có cơm ăn ngày hai bữa, đỡ đần cho mẹ. Xem hát được ít lâu, Minh xin mẹ theo gánh hát. Mẹ bảo: “Mày mà hát xướng cái gì, có biết hát gì đâu, biết gì trong gánh hát mà theo?”. Mẹ la và không cho đi. Qua vài ngày, chuyện xin đi hát được lặp lại. Mẹ giận: “Mày muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, mà đi là không về nha!”. Sau khi đã suy nghĩ kỹ, Minh quyết định rời khỏi nhà.
Sau đó, con đường theo nghề hát của ông dần mở rộng cửa, ông được nhận vào làm trong đoàn Ánh Sáng, rồi được diễn viên, đạo diễn, soạn giả Nam Sơn nhận làm con nuôi. Ông đi theo đoàn Tiếng Chuông, chịu khó học hát nên riết rồi vai diễn nào cũng thuộc lòng. Có dịp may, ông được hát thế vai và được ông “bầu” đoàn Hữu Tâm ở Sài Gòn chọn ký hợp đồng làm kép chánh khi mới 17 tuổi. Đáng nhớ nhất chính là giai đoạn này, nghệ sĩ kép độc Trường Xuân đã đặt cho ông cái tên mới - Hùng Minh. Năm 1959, với tài năng, lợi thế sắc vóc, cộng thêm sự may mắn, nghệ sĩ Hùng Minh đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm uy tín với vai kép chánh trong vở Nó là con tôi (tác giả Hà Triều - Hoa Phượng). NSƯT Hùng Minh nhớ lại: “Lúc này, nhiều báo đăng hình ảnh tôi đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm nên cô bác gần nhà đem báo cho mẹ tôi xem. Mẹ nhìn không ra tôi. Khi đoàn về hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo, tôi về nhà gặp mẹ. Mẹ còn giận mà thương, hỏi: “Đi đâu đây?”. “Tối con hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo, mời mẹ đi coi hát”. “Hát gì?”. “Dạ cải lương”. “Ai hát?”. “Dạ con!”. “Cải lương tuồng gì?”… Đêm đó tôi hát vở Nắm cơm chan máu và trông đợi mẹ đi xem. Bà đến xem hơi trễ. Qua bữa sau, tôi về nhà, mẹ nhìn tôi xúc động… Từ đó tôi đi về với mẹ thường hơn”.
NSƯT Hùng Minh chia sẻ: “Sau giải phóng, bà “bầu” Thơ (mẹ nữ nghệ sĩ Thanh Nga) dìu dắt đoàn Thanh Minh - Thanh Nga hoạt động rất rầm rộ. Tôi được mời tham gia đoàn và gắn bó trong nhiều năm...”. Giai đoạn này, ông tạo ấn tượng mạnh với khán giả bằng hàng loạt vai “kép độc” để đời, như: Mã Tắc (Tiếng trống Mê Linh), Phạm Khanh (Thanh gươm nữ tướng), Trần Ích Tắc (Dưới cờ Tây Sơn), Nguyễn Thế Nam (Bóng tối và ánh sáng), tướng giặc (Nàng Hai Bến Nghé), Nguyễn Nhạc (Tâm sự Ngọc Hân)…
2. Sau thời sân khấu hoàng kim, NSƯT Hùng Minh cũng như nhiều nghệ sĩ cải lương khác… thất nghiệp thường hơn. Dù thi thoảng ông đóng phim, tham gia vài vở tuồng, nhưng suất hát cải lương cứ giảm dần theo thời gian vì mặt bằng sàn diễn bị thu hẹp dần và chịu nhiều sự ảnh hưởng từ thị trường giải trí hiện đại.
10 năm trở lại đây, ông vẫn nỗ lực tham gia dự án cải lương Chút tình gửi lại nhân gian - vở cải lương Tiếng trống Mê Linh, vở cải lương Thầy Ba Đợi của sân khấu cải lương mới Đại Việt, vở kịch Đình cõi âm của sân khấu kịch Hồng Vân, phim Hồ sơ lửa - Người ba mặt... và mới nhất là vai Diêm Vương trong bộ phim hơn 40 tập Nghiệp sinh tử của đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương (Công ty Sao Phương Nam).
NSƯT Hùng Minh nói: “Vai nào nhận, dù lớn hay nhỏ, tôi luôn trân trọng vì tôi đang hát cho chính mình, cho bạn diễn và khán giả. Chỉ buồn nhất là tuổi ngày càng lớn, sức khỏe không như trước, vậy nên làm nghề càng phải cẩn trọng, nỗ lực nhiều hơn”.
Một đời nổi danh sân khấu, nhưng hơn 20 năm qua, NSƯT Hùng Minh vẫn ở nhà thuê. Cuộc sống tuổi già của ông nhiều lúc bấp bênh vì công việc thời vụ của cả hai vợ chồng lúc có lúc không. Vợ ông - nghệ sĩ Hoa Lan là con gái soạn giả Nguyễn Huỳnh - tác giả Tướng cướp Bạch Hải Đường, hiện đang làm nhắc thoại ở sân khấu Idecaf, thi thoảng bà cũng đi theo đoàn phim, ai kêu gì làm đó để có tiền. Nghệ sĩ Hoa Lan tâm sự: “Chuyện nhà cửa âu cũng là số trời. Đâu có ai muốn vậy. Ngày xưa lập đoàn hát là ăn, ngủ, sống với đoàn hát. Có ông bà “bầu” nào nghĩ đến chuyện mua nhà đâu. Ba má tôi làm gánh hát nên ở trong gánh hát. Khi còn hoạt động thì có nơi ở, khi gánh hát rã thì phải trả nhà lại. Vậy nên rốt cuộc về già không có mái nhà che thân. Tôi cũng từng trải lòng với Sở VH-TT TPHCM và Hội Sân khấu TPHCM để tìm kiếm cơ hội cho chúng tôi mua nhà ở xã hội. Nhưng suất này không dành cho người lớn tuổi, quá tuổi lao động. Để ông ấy vô dưỡng lão cũng khó vì phải có người cạnh bên chăm sóc thuốc men mới được. Vậy nên, tôi cứ ráng mướn căn nhà nhỏ để ở. Hai vợ chồng già may mắn được chủ nhà thương, cho mướn chỉ 4 triệu đồng/tháng, khi nào có tiền thì đưa. Tôi chỉ mong Tổ nghiệp cho có công việc đều đều để tới tháng có tiền đóng tiền nhà là mừng. Con cháu thì đứa nào cũng nghèo nên cũng không nhờ được”.
Ở cái tuổi được an dưỡng tuổi già nhưng đôi vợ chồng NSƯT Hùng Minh - Hoa Lan vẫn phải bươn chải để tự mình lo toan cuộc sống, không phải dựa dẫm, làm phiền ai. Cái tâm sáng trong của người nghệ sĩ đã dành gần trọn cuộc đời cho sân khấu ấy khiến ai cũng thương mến.