NSƯT Hồng Đức (tên thật là Nguyễn Văn Đức), sinh ngày 12-11-1940 tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Sau đó, gia đình ông chuyển về Hải Phòng, ông lớn lên và trở thành kiến trúc sư.
Năm 1963, ông bén duyên với điện ảnh và trở thành diễn viên của Xưởng Phim truyện Việt Nam (nay là Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam).
Dấu ấn đầu tiên của ông ở lĩnh vực điện ảnh là vai người anh hùng đánh xe tăng Cù Chính Lan trong bộ phim Người chiến sĩ trẻ (đạo diễn NSND Hải Ninh và Nguyễn Đức Hinh) vào năm 1964. Vai diễn của ông đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho giới điện ảnh và khán giả hâm mộ, lối diễn của ông được đánh giá là chân thật, có chiều sâu.
Tại LHP quốc tế Moskva 1965, bộ phim đã nhận được bằng khen của Hội Điện ảnh và Đoàn Thanh niên Komxomon Liên Xô. Tại LHP Việt Nam lần thứ 1, năm 1970, phim nhận giải Bông sen vàng. Cá nhân NSƯT Hồng Đức còn nhận được 1 số bằng khen trong nước dành cho cá nhân với bộ phim này.
Liên tiếp sau đó, ông tham gia các phim: Lá cờ chuẩn, Một chuyến xe, Bình minh xôn xao, Khúc ca bình minh…
Ngoài phim ảnh, ông còn tham gia lĩnh vực sân khấu. Từ năm 1969 đến 1993, trong suốt 25 năm trên con đường này, ông là một nghệ sĩ kỳ cựu của Nhà hát kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam).
Ông tham gia đóng nhiều vai chính trong các thể loại khác nhau từ chính kịch, bi kịch, hài kịch với các vở diễn như: Đại đội trưởng của tôi, Nhân danh công lý, Lịch sử và nhân chứng, Quẫn, Chiếc vuốt cọp, Đêm trắng, Bệnh trắng, Bài ca Điện Biên, Đảo thần vệ nữ, Nhật ký bỏ quên, Tiếng hát cuộc đời, Người đốt đền, Bệnh sĩ, Đi ngược dòng đời, Người cha thô bạo, Người từ thiên đường trở về…
Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục tham gia nghệ thuật và góp mặt trong các dự án phim truyền hình: Chuyện phố phường, Chạy án, Luật đời, Blog nàng dâu, Mặt nạ da người… Đặc biệt, vai diễn Tiên “chỉ” trong Cổ cồn trắng của ông vẫn được khán giả nhớ đến.
Những năm cuối đời, vợ chồng ông chuyển vào sinh sống tại TPHCM.
Lễ nhập quan NSƯT Hồng Đức diễn ra sáng 3-5. Lễ viếng từ 8 giờ ngày 3-5. Lễ động quan lúc 13 giờ 30 cùng ngày tại Vãng sanh đường chùa Vĩnh Nghiêm. Sau đó linh cữu được đưa đi an táng tại công viên nghĩa trang Phúc An Viên (TP Thủ Đức).