NSƯT Chí Trung nói thêm, nghệ thuật là tái hiện cuộc sống. Bolero đừng cho đó là xấu, là tự thụt lùi, kéo lùi lại sự phát triển âm nhạc mà hãy nhìn nó một cách khác đơn giản hơn như bạn thích ăn xôi nhưng tôi lại thích ăn bánh mì, người khác thì lại ăn phở…
Theo NSƯT Chí Trung, vài chục năm trước có nhắc nhiều tới nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật vị nghệ thuật, chúng ta sẽ còn bàn nữa về câu chuyện này. Khi bạn không có khán giả, bạn chỉ phục vụ cho chính bản thân mình thì cho rằng đó là nghệ thuật vị nghệ thuật. Nhưng tôi quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh, là phục vụ cho khán giả. Thánh đường chẳng có ý nghĩa gì nếu không có tín đồ. Sân khấu chẳng có ý nghĩa gì nếu không có khán giả… Trong quá trình phục vụ thì nhân cách, tri thức và năng lực của nghệ sĩ đến đâu thì sản phẩm lan tỏa đến đó. Nhưng khán giả không hề quay lưng cũng như hắt hủi, nhưng họ cũng không chọn cho những cái ba lăng nhăng…Nghệ sĩ không định hướng được khán giả… chúng ta đừng ngộ nhận rằng chúng ta là tiên phong, chúng ta có sứ mệnh. Nghệ thuật là tái tạo cuộc sống, trước tiên nó phải là một sản phẩm. Nhiều người không thích gọi là “sản phẩm” vì dễ đánh đồng với hàng hóa nhưng trước hết theo tôi mỗi tác phẩm phải là sản phẩm, là một món ăn. Khi nó được đón nhận, tạo được sự lan tỏa, được thăng hoa thì khi đó nó mới là tác phẩm. Tự thụt lùi, hay tự tiến lên là khái niệm của riêng mình- chúng ta nghệ sĩ là phục vụ xã hội.
Quyền giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, trong dự án 100 năm âm nhạc, đêm nhạc Lam Phương khởi đầu đã được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả và đêm nhạc số 2 của nhạc sĩ Lam Phương diễn ra vào tối 2-9.
NSƯT Chí Trung tâm sự, có người hỏi tôi rằng, việc làm các đêm nhạc Bolero có phải là một sự chuyển hướng của Nhà hát Tuổi trẻ không? Với tôi, đó chỉ là dòng chảy của ca múa nhạc mà thôi. Điều này để các diễn viên tồn tại và họ có khả năng phát triển. Chúng tôi có hai bộ phận là kịch và ca. Và tôi hiểu cái để mở chìa khóa trái tim của mọi người là ca chứ không phải kịch.