Nghề giáo gắn với nghệ thuật
NSƯT Ca Lê Hồng tập kết ra Bắc lúc 15 tuổi. Cô từng tham gia biểu diễn trong Đoàn cải lương Nam bộ. Sau đó, cô được cử sang Nga học chuyên ngành đạo diễn. Tốt nghiệp, NSƯT Ca Lê Hồng về nước và tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu Việt Nam tại Hà Nội. Sau ngày đất nước hòa bình, cô về Nam, dạy học một thời gian tại Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ (nay là Nhạc viện TPHCM), rồi về dạy cải lương tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM). Năm 1979, cô được giao làm hiệu phó, rồi tiếp tục nhận chức vụ hiệu trưởng của trường. Bên cạnh trách nhiệm quản lý, cô vẫn miệt mài gắn bó với công tác giảng dạy, truyền nghề, "truyền lửa" cho sinh viên.
Năm 1992, NSƯT Ca Lê Hồng chuyển về Sở VH-TT TPHCM, cô tập trung nhiều hơn cho công tác nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật. Dù việc nghiên cứu học thuật cũng thú vị, hấp dẫn, nhưng cô vẫn không thể bỏ được cái nghiệp nâng bước những “con tằm nhả tơ”. “Tôi tiếp tục nhận lời tham gia giảng dạy nghệ thuật, vì đây là niềm say mê không thể buông bỏ. Có thể sự đam mê với nghề giáo trong tôi có được là do truyền thống gia đình, ba tôi là giáo sư nghiên cứu văn học sử Nam bộ, má là cô giáo, anh trai Ca Lê Thuần, em Ca Lê Hiến, Ca Lê Thắng… đều là giáo viên gắn bó với nghề giảng dạy, truyền đạt kiến thức và tình yêu cho bao lớp học trò”, NSƯT Ca Lê Hồng bộc bạch.
Với nghề giáo, NSƯT Ca Lê Hồng cũng có những tâm tư và mục tiêu cho bản thân. Theo cô: “Khi mình giảng dạy chỉ ở vai trò là một nghệ sĩ thì sẽ thiếu phương pháp luận. Đặc biệt, đối với lĩnh vực nghệ thuật cải lương, ngoài truyền nghề - những tinh hoa sân khấu truyền thống đã có, thì rất cần kết hợp với phương pháp giảng dạy khoa học mới có thể giúp các em có tư duy sáng tạo nghệ thuật, nếu không, các em sẽ làm nghề bằng bản năng nhiều hơn”.
Phát huy công tác truyền nghề
Hiện nay, vì lý do sức khỏe, NSƯT Ca Lê Hồng giảm tải bớt nhiều việc. Tuy nhiên, sự gắn bó bền bỉ với công tác đào tạo, truyền nghề khiến cô vẫn tham gia công tác tuyển sinh đạo diễn của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TPHCM; chấm thi tốt nghiệp; tham gia ban giám khảo các hội thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp; tham gia các tọa đàm sân khấu truyền thống; các dự án gìn giữ và phát triển sân khấu trong giai đoạn mới…
Cô tâm tư: “Tại TPHCM, thế hệ giảng viên nghệ thuật sân khấu kỳ cựu đã mất nhiều. Tôi và thầy Trần Minh Ngọc đã già. Chúng tôi đang dần lùi về sau để những giảng viên trẻ phát triển, vươn lên, tiếp bước con đường giáo dục - đào tạo nghệ thuật. Hiện nay, phương thức giảng dạy nghệ thuật trên thế giới cũng thay đổi rất nhiều, thế nên, các trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật nên có thêm hoạt động giao lưu, để các thầy, cô được cập nhật thêm nhiều thông tin, kiến thức mới. Có được nhiều giảng viên giỏi thì mới có thể đào tạo ra nhiều sinh viên - nghệ sĩ giỏi cho sân khấu”.
Dù tuổi đã cao, NSƯT Ca Lê Hồng vẫn hàng ngày chịu khó tìm tòi học hỏi thêm những thông tin thực tiễn về đời sống văn hóa - nghệ thuật, dõi theo hoạt động dàn dựng của các đạo diễn trẻ, các diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp đang hoạt động ở lĩnh vực sân khấu và một số lĩnh vực nghệ thuật khác. “Khi có dịp, mình hy vọng vẫn có thể đóng góp những kinh nghiệm, kiến thức của mình cho đời sống văn hóa - nghệ thuật, cho các em. Với một nhà giáo, làm được những điều như vậy chính là niềm vui, niềm hạnh phúc giản đơn, ý nghĩa và giá trị”, NSƯT Ca Lê Hồng bộc bạch.
Khi nhắc đến những người đã thành danh, NSƯT Ca Lê Hồng rất vui vì có nhiều thế hệ học trò giỏi nghề. Tuy nhiên, với sự tiếp cận và tiếp nhận cái mới, cô luôn mong các nghệ sĩ, đạo diễn giỏi phải ráng giữ cho được nét tinh hoa văn hóa - nghệ thuật Việt. NSƯT Ca Lê Hồng trăn trở: “Với các em đạo diễn đã ra đời và làm nghề chuyên nghiệp, làm gì cũng không được chủ quan, đừng nghĩ mình có cả trăm vở diễn trong tay là giỏi. Làm nhiều vở rất dễ lặp đi lặp lại chính mình, thiếu sự bứt phá, mới mẻ. Với các em trẻ đang hoạt động nghề, thì ngoài không ngừng sáng tạo, cần chú trọng hơn về văn hóa đọc để trang bị cho bản thân và nghề nghiệp những kiến thức cần thiết về văn hóa - nghệ thuật, lịch sử, phong tục tập quán, truyền thống dân tộc…”.