NSND Trung Kiên, nghệ sĩ sở hữu giọng nam cao hiếm có, người chiếm trọn trái tim của bao thế hệ người yêu nhạc Việt Nam đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Tại thời điểm này ông vẫn tự nhận là sáng khỏe, chiều ốm rồi sáng hôm sau lại khỏe… nhưng khi được đề nghị một cuộc gặp để chia sẻ về nước Nga, âm nhạc Nga, về những kỷ niệm trong những năm tháng sống, học tập ở xứ sở Bạch Dương, ông đã nhận lời không chút đắn đo. Với ông, Nga là đất nước ông yêu chỉ sau đất nước mình mà thôi.
PHÓNG VIÊN: Là một trong những thế hệ sinh viên nghệ thuật đầu tiên được cử sang Nga học tập, với ông, chắc đó là những năm tháng đặc biệt?
PHÓNG VIÊN: Là một trong những thế hệ sinh viên nghệ thuật đầu tiên được cử sang Nga học tập, với ông, chắc đó là những năm tháng đặc biệt?
NSND TRUNG KIÊN: Đó thật sự là những năm tháng không thể nào quên. Nước Nga là một phần ký ức tươi đẹp không thể nào quên của tuổi trẻ vất vả nhưng nhiều ước mơ, hoài bão. Nước Nga tuy xa xôi về địa lý nhưng lại gần gũi về văn hóa, lịch sử.
Khi chúng tôi sang nước Nga, điều kiện sống không thực sự tốt bởi khi ấy cả nước Nga đều như vậy, sinh viên của nước bạn cũng vô cùng vất vả, song đổi lại các bạn luôn dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam những tình cảm yêu mến, giống như người một nhà. Tôi còn nhớ, các bà giáo Nga và cả những người quản lý ký túc xá của chúng tôi khi ấy vì biết dân Việt Nam thích ăn cơm, chỉ quen ăn cơm nên họ đã không quản thời gian, tiền bạc tìm mua gạo cho chúng tôi. Họ mua cho chứ không phải là mua hộ đâu, dù khi ấy họ cũng khó khăn lắm.
Còn về học tập thì đó cũng là những năm tháng rất đặc biệt. Sinh viên Việt Nam, nếu ai có vốn ngoại ngữ tốt sẽ được xếp học cùng lớp với sinh viên Nga, được hưởng nền giáo dục, quyền lợi và nghĩa vụ giống hệt như các sinh viên khác. Các thầy cô dạy học cũng dốc ruột, dốc gan, không giấu lại bất cứ kỹ năng, kinh nghiệm vào cả. Những người có vốn tiếng Nga chưa được tốt sẽ được sắp xếp học lớp riêng để đào tạo thêm về vốn từ. Ngay trong ký túc xá, các sinh viên Việt Nam cũng được sắp xếp xen kẽ với các bạn bản xứ để có điều kiện giúp nhau trong sinh hoạt cũng như rèn luyện kỹ ngoại ngữ.
Mỗi lần nhớ lại khoảng thời gian học tập bên Nga, tôi luôn thấy rất hạnh phúc. Các bạn Nga tỏ rõ tình thương mến dành cho người Việt Nam. Tụi tôi học rất chăm. Mỗi lần kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga đến, tôi lại thấy xúc động và bồi hồi. Tới giờ ký ức của những năm tháng vất vả nhưng ấm áp tình người ấy vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi giống như mới chỉ vừa xảy ra vậy.
Những năm tháng học tập, rèn luyện ở nước Nga phải chăng chính là những nền tảng cho những thành tựu ông có được ngày hôm nay?
Tôi đến nước Nga lần đầu năm 1962 và tôi đã học 3 lần ở đây với các bậc đại học, cao học và trường Đảng. Ngay từ hồi theo học Học viện Âm nhạc ngày đó tôi cũng được các thầy giáo Nga dạy vì thế có thể nói những giai điệu âm nhạc Nga thấm đẫm trong huyết quản. Những kiến thức tiếp nhận được từ những năm tháng ấy tôi lại tiếp tục truyền thụ lại cho các lớp học trò sau này... Và tới tận bây giờ, tôi vẫn dõi theo, học hỏi và tiếp nhận những tinh hoa của nền âm nhạc đó, văn hóa đó.
Có một thời gian dài văn hóa Nga đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống của người Việt Nam nhưng vài chục năm trở lại đây, màu sắc của xứ sở Bạch dương đã phai lạt. Ông có cảm thấy tiếc?
Với sự gần gũi về văn hóa, lịch sử, suốt một thời gian dài, người Việt đã được tiếp xúc rất nhiều với văn học, điện ảnh và âm nhạc của Liên Xô- Nga. Những ca khúc nước Nga với giai điệu lãng mạn, lời ca giàu sức sống đã ăn sâu vào tâm hồn người Việt, tiếp thêm niềm tin và động lực để thế hệ trẻ Việt Nam vượt qua khó khăn, học tập và cống hiến cho đất nước.
Đúng là tại thời điểm này do có nhiều thay đổi nên văn hóa Nga, âm nhạc Nga không còn mạnh như trước nhưng với riêng mình, tôi vẫn âm thầm dõi theo thành tựu của bạn thông qua sách vở, giáo trình nhờ xin, nhờ mua về từ nước Nga. Âm nhạc vẫn là mảng rất mạnh của Nga, nếu trước đây, có thời điểm họ khép cửa chỉ biết tới những cái của riêng mình thì nay họ đã cởi mở hơn tiếp thu, chọn lọc nhiều kiến thức văn hóa lớn. Vì thế nền tảng âm nhạc của họ lại càng trở nên lớn mạnh hơn.
Tôi tiếc lắm vì thấy văn hóa Nga, đặc biệt là âm nhạc, đang rơi rụng nhiều trong các trường đào tạo, bởi đó thực sự là nền âm nhạc mạnh, đáng phải học hỏi nắm bắt. Nguyên nhân một phần là do không nhiều người biết tiếng Nga nữa. Vì thế tôi vẫn miệt mài dịch sách, dịch tài liệu từ Nga để các em học sinh, sinh viên thế hệ sau có thể tiếp cận dễ hơn với một nền âm nhạc lớn.
Tôi luôn tích cực và có ý thức trong việc truyền thụ kiến thức. Phần lớn giáo trình của khoa Thanh nhạc trong nhạc viện đều được tôi dịch và biên soạn, dựa từ những giáo trình, sách vở của Nga, Italia… Có những cái dịch, có những tài liệu viết lại cho phù hợp với người Việt Nam. Đó chính là cách để tôi tri ân nước Nga, tri ân những người thầy đã truyền đạt kiến thức cho tôi.
NSND Trung Kiên là người đã đặt lời Việt cho 300 ca khúc Nga. Trong số những ca khúc ông đặt lời, không thể không nhắc đến ca khúc nổi tiếng Triệu đóa hồng do nhạc sĩ Raimonds Pauls phổ thơ của nhà thơ nổi tiếng Andrey Voznesensky. NSND Trung Kiên kể ông biết đến nhạc sĩ Raimonds Pauls qua người vợ của ông. “Vợ của ông Raimonds Pauls là người phụ trách sinh viên Việt Nam trong trường học của tôi. Tôi đã xin bản nhạc này qua bà để đặt lời tiếng Việt cho ca khúc, kể chuyện tình yêu kỳ lạ của chàng họa sĩ sẵn sàng bán mọi thứ mình có, kể cả ngôi nhà của mình để đổi lấy triệu đóa hồng tặng cô ca sĩ, nhưng không được đáp lại”. Khi trở về nước, NSND Trung Kiên đã đưa bản đặt lời tiếng Việt ca khúc Triệu đóa hồng cho ca sĩ Ái Vân. Ca khúc được đón nhận nồng nhiệt và gắn liền với tên tuổi của Ái Vân trong thập niên 80 của thế kỷ trước.