Chiều mùng 1 tết, tức ngày 22-1, NSND Trần Tiến - một nghệ sĩ tài năng của sân khấu đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 87 tuổi. "Chọn giờ và ngày đi, cách ra đi nhẹ nhàng như vậy, thật đúng là... NSND Trần Tiến!", NSƯT Lê Chức chia sẻ.
NSND Trần Tiến tên đầy đủ là Trần Văn Tiến, sinh ngày 30-11-1937 tại Hà Nội. Ông học khóa diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu cùng nghệ sĩ Thế Anh, Ngọc Hiền, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung... Ra trường, ông dừng lại tại bến đỗ nghệ thuật lâu dài nhất, vinh quang nhất là Đoàn Kịch Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cùng với một thế hệ vàng, những bậc thầy tôn kính mà NSND Thế Lữ là người "cầm chèo hướng lái" lúc ban đầu.
Đối với NSND Doãn Châu - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Trần Tiến là người có thiên bẩm trong diễn xuất. Lối diễn của NSND Trần Tiến rất tỉ mỉ, phong cách làm việc nghiêm túc, sự sáng tạo của NSND Trần Tiến khiến tất cả đạo diễn đều muốn làm việc với ông. Những vai diễn của ông rất xuất sắc và để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.
"NSND Trần Tiến có một vị trí “sang trọng” ở sân khấu và điện ảnh cũng như trong lòng người xem", NSƯT Lê Chức nhấn mạnh. Tài năng của nghệ sĩ Trần Tiến “phát lộ” và rực rỡ nhất là trên sân khấu kịch và trên màn ảnh; dù trước đó ông đã như một “con dao pha” diễn chèo với các vai “hài” mặc định chất là “hề mồi - hề gậy” và cả hát múa, làm cả tiếng động sân khấu, ánh sáng sân khấu.
NSND Trần Tiến cùng với NSƯT Lê Mai sinh ra 3 nữ nghệ sĩ tài danh họ Trần là: NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vi |
Trong bản “tiểu sử nghệ thuật” tự viết ngày 20-6-1997, nghệ sĩ Trần Tiến đã “tạm” thống kê 21 vai diễn sân khấu tiêu biểu và 13 vai “thành danh” trên màn ảnh. Không chỉ là gương mặt có tiếng trên sân khấu kịch, NSND Trần Tiến lấn sân sang phim ảnh, tham gia một số bộ phim như Thằng Bờm; 5 ngày làm Thượng đế; Chuyện làng Nhô...
Vai diễn với ông thật “đa dạng” với nhiều thứ bậc xã hội, ngành nghề, tuổi tác, kiến thức, vừa chính diện, vừa phản diện... Chất diễn “hài” với ông như thiên năng đầy thuyết phục, với các “tượng đài nhân vật” như: Ông Đại Cát trong vở Quẫn, vai Cao bồi trong vở Đứng gác dưới ánh đèn neon, vai Đức trong vở Lửa hậu phương, vai Nghêu trong vở Nghêu - Sò - Ốc - Hến...
Đặc biệt, khi thể hiện những hình tượng nghệ thuật về các danh nhân lịch sử như: Đức vua Lý Huệ Tông trong vở Thái Sư Trần Thủ Độ, hình tượng danh nhân Nguyễn Trãi… hay vai Tiên cờ Đế thích trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã trở thành những vai "để đời", khó có nghệ sĩ nào vượt qua.
Nói về nghiệp diễn, NSND Trần Tiến từng chia sẻ rằng, ai cũng cần phải có một cái nghề để sống chết với nó, để nó nuôi sống mình. Nhưng nghệ thuật là một công việc đặc thù, nó khác với các ngành nghề khác.
“Nếu anh biến nghệ thuật thành một thứ công việc để kiếm sống, để mưu sinh thì tôi nghĩ không được. Anh phải yêu, phải đam mê trước tiên đã; rồi anh lao động bằng tất cả tài năng và tâm huyết của anh, nó sẽ nuôi anh một cách chân chính. Còn nếu chỉ nhăm nhăm làm nghệ thuật để kiếm tiền, anh rất dễ "ăn xổi ở thì" với nó. Như thế thì rất không được. Anh sẽ làm mất đi giá trị đích thực của nghệ thuật. Với riêng tôi, thì nghệ thuật chưa bao giờ được tính đến như một công cụ để kiếm tiền cả”, NSND Trần Tiến quan niệm.
NSƯT Lê Chức kể: "Vài năm gần đây, NSND Trần Tiến đối mặt với tình trạng sức khỏe không tốt, phải có sự trợ giúp của y tế".
NSƯT Lê Chức run run xúc động viết lời tiễn biệt: Chúng tôi đã cùng ở bên ông giờ - phút cuối để như được “chứng tâm” cho sự “bằng lòng với cuộc đời và thiên mệnh nghệ sĩ” của ông suốt 87 năm ở trên cõi tạm đầy sôi động này, để đi vào nơi tĩnh lặng vĩnh hằng, vô thường tuyệt đối. Chúng tôi nhớ. Nhớ ông nhiều lắm. Trong hiện thực của sự trống vắng hữu hình, chúng tôi vẫn có ông là người “biết nhận”, “biết vượt lên những trầm mặc, những éo le của số phận”. Trong cõi nhớ của chúng tôi - có một khoảng lớn dành cho NSND Trần Tiến...