Tủi thân khi phim được giải
PHÓNG VIÊN: Bà nghĩ gì khi mọi người gắn cho mình biệt danh “nàng thơ” của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân?
NSND MINH CHÂU: Đến Cu li không bao giờ khóc là phim thứ 4 tôi làm việc với Lân, trước đó là 3 phim ngắn. Lân từng chia sẻ, năm 12 tuổi khi xem một bộ phim tôi đóng, đã rất ấn tượng với đôi mắt của tôi. Nó đeo đuổi bạn nhiều năm. Dù không học đạo diễn (Phạm Ngọc Lân học ngành kiến trúc) nhưng vì rất yêu điện ảnh nên bạn quyết định theo đuổi dòng phim độc lập. Khi viết kịch bản, bạn đến và tìm mọi cách mời tôi cho bằng được. Nghe những tâm sự đó, tôi rất cảm động. Chính vì điều đó, không có cớ gì để tôi từ chối.
Có những phim ngắn tôi làm với Lân nhưng quay vất vả lắm, quay liền 6 đêm, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Nhiều khi tôi cũng tủi thân, nghĩ có thể do mình diễn chưa tốt để khiến bạn hài lòng. Nhưng đến phim thứ 4 này bạn vẫn nhớ, mời đóng thì tôi tin đó là duyên nợ. Đọc kịch bản Cu li không bao giờ khóc, tôi thích vì là dạng vai mình muốn diễn bằng ánh mắt, nội tâm, thay vì nói nhiều. Tôi thấy nhân vật phù hợp với mình.
Và bà chấp nhận rất cực, cả về thể chất và tinh thần, thậm chí cả sự ám ảnh như trong Cu li không bao giờ khóc?
Vai diễn này cũng khiến tôi ám ảnh nhiều đấy, vì đây là nhân vật đòi hỏi phải diễn xuất bằng nội tâm rất nhiều. Tôi cảm giác vào vai này mình không đứng ở mặt đất mà cứ lơ lửng. Có những phân cảnh như khi tôi nhảy một mình, nó mang đến cảm giác mênh mông, vô định lắm: Mình không biết đi đâu về đâu, mình không biết làm sao, mình hoàn toàn cô đơn giữa đám đông. Ngay từ khi đọc kịch bản, tôi đã định hướng cho bản thân sẽ diễn cái đoạn đó như thế. Tôi luôn tưởng tượng nhân vật chính là mình.
Đó có phải là điều bà ấn tượng nhất với vai diễn này?
Tôi rất thích. Lân là người trẻ nhưng suy nghĩ, tư duy của bạn ấy rất sâu sắc. Khi xem phim, người ta tưởng nó nhẹ nhàng thế thôi, nhưng nó ẩn chứa sự cuồn cuộn giống như những đợt sóng ngầm. Bản thân diễn viên phải hiểu được điều đó. Nếu là người có nghề, khi đọc kịch bản sẽ hiểu không cần phải gào thét, chỉ cần tập trung diễn ở tầng sâu bên trong.
Vậy còn cảm giác khi đứng trên sân khấu và được vinh danh cùng đoàn phim thì sao?
Nó vẫn là cảm giác hồi hộp, chờ đợi sau đó là vỡ òa. Lần này, tôi cũng có chung cảm giác căng thẳng giống mọi người. Tất nhiên ở tuổi này, tôi không còn khao khát thêm một giải thưởng, nhưng được tôn vinh vừa là niềm tự hào cho bản thân, cho cả bộ phim và cả điện ảnh Việt. Tôi nhớ khi được xướng tên ở Liên hoan phim Berlin, không biết tại sao lúc đó tôi đã bật khóc, trong khi Hà Phương ngồi ghế bên cạnh cười rất tươi. Nó vừa pha tự hào, sung sướng và tự nhiên thấy cả tủi thân nữa. Buồn cười lắm. Tự nhiên tôi thấy thương mình, thương đoàn phim, vì ai cũng đã làm việc rất vất vả.
Yêu nhân vật như con
Có phải vì sự kỹ lưỡng từ khâu kịch bản nên lâu nay bà ít xuất hiện trên màn ảnh?
Tôi tự nhận mình là người rất khó tính, kỷ luật. Có những phim khi đọc xong kịch bản, tôi hẹn gặp đạo diễn và đưa ra những góp ý. Nếu cho phép mình được cùng sửa thì làm, không thì thôi. Tôi nghĩ, đó không phải mình ép đạo diễn đâu, mà thuyết phục họ để đường dây nhân vật logic hơn.
Cũng có khi tôi còn đòi đạo diễn cho thêm trường đoạn nào đó để làm nổi bật nhân vật. Tôi tự thấy mình là người tham lam, luôn muốn thêm thứ này thứ kia để khi nhân vật đã xuất hiện phải hay, gây ấn tượng. Cũng có thể tôi luôn muốn cái gì cũng phải đạt sự hoàn hảo.
Nhiều người nhận xét, các vai diễn đã qua luôn thấp thoáng bóng dáng cuộc đời bà. Bà có sợ phim vận vào đời mình?
Câu này nhiều người hỏi lắm đấy. Nhưng mà đúng, nó có bóng dáng bản thân mình ở đó. Như phim Người đàn bà nghịch cát, thời điểm đó tôi đang rất căng thẳng trong cuộc sống. Nhiều khi mình diễn nhập vai đến mức đạo diễn không dám cho tập nữa. Đạo diễn bảo, Minh Châu cứ học thuộc thoại là xong. Vì có lần diễn xong, tay chân tôi lạnh buốt, đoàn phim phải gọi bác sĩ đến cho tôi uống thuốc an thần. Họ sợ tôi điên thật đấy. Nhiều khi nhập vai quá phải mất cả ngày mới thoát ra được, rất là mệt. Nên tôi nghĩ, cuộc sống đời thường của mình và nhân vật cũng có những điểm tương đồng.
Nhưng làm thế nào để bà kiểm soát, không để ảnh hưởng đến bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần?
Mình phải học sự kiểm soát, kìm nén và điều khiển không cho nó bung ra. Nhiều khi mình không khóc, nhưng khiến khán giả phải khóc. Khi làm được điều đó, mình sẽ đạt đến trạng thái giống như đang sống ở đời thường vậy. Tôi nhớ, có một bộ phim truyền hình, đạo diễn đề nghị tôi chỉ cần diễn ánh mắt long lanh. Ừ, thì long lanh. Xong đạo diễn xem lại, muốn tôi có chút nước mắt, tôi cũng đồng ý. Xem thêm lần nữa, bạn muốn tôi cho một giọt nước mắt nơi khóe mắt, tôi “chơi luôn”. Và cuối cùng, bạn nói: mắt cô đẹp lắm, cô khóc cho con đi. Đấy là sự kiềm chế và điều khiển cảm xúc. Nhưng ở trên phim thôi, chứ ngoài đời không làm được đâu.
Sống một mình, có bao giờ bà sợ cô đơn?
Tôi chưa bao giờ thấy sợ cô đơn, nhưng nếu nói có nghĩ đến nó không thì có chứ. Cũng có lúc mình cảm thấy cô đơn, cần một người nào đó để dựa dẫm, chia sẻ. Ở tuổi của tôi giờ chỉ cần một người gọi là tri kỷ, dù biết rất là khó. Mọi người hay nói đùa, người tri kỷ được với mình, họ có vợ hết rồi. Ở tuổi này, tôi cũng quen ở một mình rồi. Tôi cũng nghĩ, nếu ông trời không cho mình thì cứ thế này mà sống. Tôi thấy rất yên ả và cuộc sống của mình không đến mức phải gầm gào lên. Có thể, cách đây khoảng 20 năm sẽ như thế.
Hiện tại, tôi vẫn tận hưởng niềm vui trong nghệ thuật. Tôi có con, có cháu và mình vui với điều đó. Gia đình là điều quan trọng nhất với mình. Trước đây, tôi ham hố đi làm phim, làm công việc mình yêu thích, nhưng giờ nó là thứ yếu rồi. Vì sức khỏe không cho phép mình làm nhiều thứ và mình cũng cần có một gia đình yên ấm để khi con cháu cần mình là có mặt.