Quyết liệt với chính mình
Nghệ thuật với NSND Lê Khanh không thể gọi là cái nghề, cũng chẳng phải nghiệp, và càng không phải một cuộc dạo chơi để tìm hào quang, tiếng vỗ tay hay lời ca tụng. Mấy mươi năm làm nghề, chị có tất cả những thứ lấp lánh ấy. Để tìm một từ đích xác, với chị, nghệ thuật là hơi thở, là cuộc sống.
Kể từ Mùa hè chiều thẳng đứng (năm 2000), đã tròn 20 năm chị rời xa màn ảnh rộng. Quãng thời gian dài và sung sức nhất của người nghệ sĩ và đôi khi, là cả một đời làm nghề. 20 năm tưởng chừng lắng lại với những lý do riêng nhưng hóa ra, người nghệ sĩ ấy luôn luôn chuyển động nội tại để tươi mới. Sau 20 năm, khi quay lại, chị khiến công chúng trầm trồ. Một phần vì tò mò. Nhưng phần nhiều, dành sự kính nể bởi nội lực của chị càng thêm phần sắc bén.
Cuộc gặp gỡ với nữ họa sĩ Bội Trân - nguồn cảm hứng cho vai diễn Thái Tuyết Mai, vừa để thấu hiểu vừa là cơ hội học hỏi - học cách làm dâu xứ Huế; học đi đứng, nói chuyện từ tốn, mềm mỏng mà cao sang; học cách làm bánh lọc, nấu bún bò… Ngay cả bức tranh trong phim với hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài đen ngồi quay lưng nhìn ra Lăng Cô, cũng do chính chị tự vẽ cùng sự giúp đỡ của họa sĩ Bội Trân.
Bước tiếp tới Gái già lắm chiêu V, sự học ấy vẫn không ngừng nghỉ, nhiều khi khiến chị “mụ mị đầu óc” và còn ái ngại khi nhắc với chồng con. Học cách đứng, cách ngồi, đi lại, cách cầm dao dĩa, cụng ly. Học cách sửa soạn, sắp đặt, bài trí cho bữa tiệc. Rồi học khiêu vũ, đi catwalk. Học lý thuyết, thực hành rồi trải nghiệm thực tế để đưa vào nhân vật một cách tinh tế và thật nhất chứ không còn phải diễn nữa. Chị nói: “Phải học bởi nó là cách để tri ân, là sự trân trọng nhất của người nghệ sĩ với khán giả”.
Đâu chỉ có sự học, nó còn là sự hy sinh. Chị gây sửng sốt khi chủ động “xin đạo diễn cho tôi cắt phăng mái tóc dài của mình ngay từ trước khi bộ phim bấm máy, để được hóa thân sớm vào nhân vật”. Người nghệ sĩ nào cũng có máu liều. Và khi tìm thấy vai diễn cuộc đời, họ chấp nhận thay đổi một cách đầy quyết liệt.
Khao khát đương đầu thử thách
NSND Lê Khanh tên thật là Trần Mai Khanh. Họ Trần của bố - NSND Trần Tiến, tên đệm của mẹ - NSƯT Lê Mai. Hiếm có gia đình nghệ sĩ nào như nghệ sĩ Trần Tiến - Lê Mai lại sở hữu những đóa hoa hương sắc vẹn toàn. Ngoài Lê Khanh, hai chị em gái Lê Vân, Lê Vi cũng là những nghệ sĩ nổi tiếng. Ba chị em họ, những năm 1990 của thế kỷ trước đã nức danh khán giả ái mộ. Và sau này, chồng của chị cũng là người trong nghề - đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Thanh. Tham gia nghệ thuật từ những năm 1970, vậy nên không ngạc nhiên khi chị là trường hợp hiếm hoi được phong danh hiệu NSND rất sớm, khi mới 38 tuổi.
Trên những nấc thang trong con đường nghệ thuật, xuất phát điểm của NSND Lê Khanh là điện ảnh với bộ phim đầu tay Hai người mẹ (1972) khi mới 9 tuổi. Sau đó 6 năm, năm 1978, là bước ngoặt khi chị có vai nữ chính đầu tiên trong phim điện ảnh Từ một cánh rừng (đạo diễn, NSƯT Đức Hoàn), đồng thời thi đậu vào Nhà hát Tuổi trẻ. Trong 10 năm sau đó, chị dành trọn tình yêu cho sân khấu kịch với những vai diễn điển hình: Juliet (Romeo và Juliet, Tấm (Tấm Cám), cô giáo Thúy (Mùa hạ cuối cùng)…
Nhưng, điện ảnh vẫn là duyên nợ khi chị trở lại vào năm 1988 với Ám ảnh (NSƯT Đức Hoàn). Rồi chị Nam tiến đóng Săn bắt cướp - bộ phim giúp chị nên duyên với đạo diễn Việt Thanh và sau đó trở thành gương mặt diễn viên điện ảnh miền Bắc ăn khách ở thị trường phía Nam. Bộ ba phim: Chiếc mặt nạ da người, Bản tình ca cuối cùng và Chuyện tình bên dòng sông, giúp chị giành giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 tổ chức tại Hải Phòng.
Rồi Lê Khanh một lần nữa “mất tích” trên màn ảnh rộng để có 20 năm tiếp theo chuyên tâm cho sân khấu với hàng loạt vai diễn nặng ký: Thúy (Bến bờ xa lắc), Lý Chiêu Hoàng (Rừng trúc), Đan Thiềm (Vũ Như Tô), nữ anh hùng JanĐa (Chim sơn ca)... Tất cả đều biến hóa, ảo diệu và đầy mê hoặc. Trong 20 năm ấy, ngoài các sân khấu trong nước, chị còn tham gia giao lưu văn hóa quốc tế, lưu diễn với các đoàn kịch tại Mỹ, Nhật, Anh, Thụy Điển… Dành hết tâm huyết cho kịch, chị chia sẻ có lúc nhớ màn ảnh, từng nhận lời đóng phim nhưng không thể thu xếp được.
Và bây giờ, 20 năm sau, chị đã trở lại với điện ảnh đúng với khao khát những vai diễn đầy táo bạo, khám phá, thử thách cùng quan niệm “vai diễn hay nhất còn ở phía trước” và “những năm tháng đang dần ngắn lại, khát vọng được cống hiến, được làm người có ích lại càng lớn”. Chị mong ước sẽ được như mẹ mình, ở tuổi 80, vẫn được mời đi diễn.
Nhắc đến Lê Khanh là nhắc nhớ hình ảnh nền nã, thanh lịch của người phụ nữ Hà thành. Hình ảnh của chị gắn liền với tà áo dài truyền thống: kín đáo, e ấp mà gợi cảm. Khí chất thanh lịch của người Tràng An còn toát lên ở giọng nói ấm áp, nụ cười tươi và đôi mắt biết nói, như hút hồn người đối diện. Có lẽ bởi nét đẹp đã mang “thương hiệu” ấy, chị từng thừa nhận mình hợp những vai mộc mạc, chân phương như thôn nữ, phụ nữ Hà Nội... và quen dạng vai đào thương, số phận dễ gợi trắc ẩn. |