PHÓNG VIÊN: Nhà hát Tuổi Trẻ bước vào tuổi 40, cũng là từng ấy năm chị gắn bó với sự hình thành và phát triển nhà hát. Chị có tâm tư gì dành cho ngôi nhà nghệ thuật của mình?
NSND LÊ KHANH: Lúc nhà hát mới thành lập, chúng tôi rất trẻ và cùng nhau cố gắng. Là diễn viên khóa đầu tiên của nhà hát, sau 6 tháng rèn luyện, chúng tôi lên sàn với một vở kịch hoàn chỉnh đầu tiên. Chính vì mới, trẻ nên chúng tôi cũng rất bạo tay trong công tác dàn dựng tác phẩm. Thời điểm ấy, chúng tôi thực sự như một luồng gió mới đem những tác phẩm kịch văn hóa thế giới đến với khán giả, giúp khán giả tìm được những xúc cảm mới lạ trong nghệ thuật sân khấu kịch nói.
Trong quá trình phát triển, lãnh đạo nhà hát các thời kỳ rất mạnh dạn xây dựng, tổ chức nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn, phát huy thương hiệu nhà hát. Tuy nhiên, do vấn đề tổ chức biểu diễn từ quá khứ để lại, sân khấu phục vụ (miễn phí) hoạt động quá tốt, đã hình thành thói quen trong tâm thức khán giả miền Bắc - chỉ muốn được phục vụ miễn phí, nên vấn đề bán vé cực kỳ khó khăn. Trước những trở ngại, khó khăn lớn về kinh tế, nhà hát đã phải nỗ lực tự thân vận động, tìm kiếm các phương cách để duy trì công tác tổ chức biểu diễn, trong đó chú trọng việc vận động các doanh nghiệp bắt tay cùng nhà hát làm nghệ thuật.
NSND Lê Khanh
Chị nghĩ gì khi có những ý kiến, quan điểm cho rằng nhà hát vừa làm nghệ thuật vừa làm kinh tế, chạy theo thị hiếu khán giả sẽ dễ rơi vào tình trạng làm nghề dễ dãi, thực dụng?
Chúng tôi luôn làm nghề với tâm thế cực kỳ sung sức, tích cực và nỗ lực không ngừng. Thế nên chuyện nhà hát bắt tay làm hài kịch cũng là một cách làm đầy táo bạo ngay thời điểm ấy và chúng tôi chấp nhập con đường không suôn sẻ phía trước, ghi nhận nhiều ý kiến đa chiều, khen có, “ném đá” cũng có. Chúng tôi chỉ biết lấy hiệu quả tác phẩm làm lời giải đáp cuối cùng. Chính giai đoạn nhà hát phát huy phong cách hài kịch đã làm chấn động sân khấu phía Bắc, trở thành một “cơn sốt” và cải thiện được cuộc sống anh em giai đoạn ấy. Tác phẩm Đời cười 1, 2… đã ghi điểm bởi sự sâu sắc trong từng tiểu phẩm.
Tận cùng trong cái hài chính là cái bi của mọi vấn đề về con người và xã hội, khiến người xem kịch sau khi cảm nhận được phía sau nụ cười chính là nước mắt, điều đó thấy rõ trong rất nhiều tác phẩm sân khấu do Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện, dàn dựng, biểu diễn. Trong vở Nhà ôsin, một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, do tôi đạo diễn, tham gia trong Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc năm nay, cũng chứa đựng chất hài đến bi như thế. Hy vọng vở diễn sẽ đem lại nhiều cung bậc cảm xúc đặc biệt cho khán giả TPHCM.
Quan điểm của chị về các giải thưởng sân khấu như thế nào?
Luôn có sự khập khiễng, chông chênh, trong việc chấm điểm giữa các đơn vị tham gia liên hoan vì sự khác biệt giữa mô hình nhà hát công - các đơn vị nghệ thuật trung ương, địa phương và các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa.
Từ nhiều năm qua, cách trao giải thưởng kiểu trải đều rất không ổn. Làm sao có thể so sánh giữa đoàn Trung ương và đoàn địa phương khi điều kiện học tập, làm nghề có khoảng cách quá xa. Mô hình công - tư là hai mô hình khác biệt, có nhiều sự khập khiễng trong việc đem ra so sánh, trao giải khi cùng tham gia một liên hoan. Mặt khác, chúng ta luôn ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của các anh chị nhiều thế hệ đã dành cả đời để theo đuổi, gắn bó với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thường xuyên biểu diễn phục vụ xã hội, cộng đồng. Nhưng cũng không nên vì thế mà trao giải thưởng kiểu ghi nhận tại liên hoan, mà cần những sự động viên khác. Với những cơn mưa giải thưởng như thế, theo năm tháng, giá trị những chiếc huy chương dần mang tính an ủi, bù đắp là chính. Vấn đề đau đầu này tồn tại thành hệ thống, khó giải thích và khó giải quyết.
Theo kế hoạch, đến năm 2021, Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ chính thức thay đổi hẳn phương thức hoạt động xã hội hóa 100%. Chị cảm nhận gì về các sân khấu kịch xã hội hóa ở TPHCM và kỳ vọng gì cho Nhà hát Tuổi Trẻ sau tuổi 40?
Ngày nay, nhu cầu giải trí của khán giả đã thay đổi với những đòi hỏi cao về hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, diễn viên đa tài, đa năng, câu chuyện kể sinh động, hấp dẫn... Mô hình sân khấu tư nhân vốn có sự cạnh tranh cao nên người làm nghệ thuật phía Nam buộc phải phát huy tốt tư duy, nỗ lực tạo sự khác biệt mang tính đặc trưng rất riêng của từng sân khấu, bắt kịp nhu cầu, thị hiếu khán giả. Việc này nghệ sĩ phía Nam làm rất giỏi, có nhiều kinh nghiệm mà chúng tôi cần học tập. Chúng tôi học bạn bè, đồng nghiệp phía Nam từ việc tìm kiếm phương thức tiếp cận khán giả, công tác quảng bá, chất lượng nghệ sĩ…
Đặc biệt, thời gian gần đây, chúng tôi học hỏi nhiều vấn đề từ tác phẩm nhạc kịch Tiên Nga của sân khấu IDECAF. Trong xu hướng thoái trào của loại hình kịch nói, sự bão hòa về hài kịch, kịch ma, gameshow… khán giả xem đã chán, chương trình nào cũng thấy “siêu sao” thì lội ngược dòng như Tiên Nga trở thành hàng “độc”. Những chiêu trò sàn diễn rồi cũng sẽ phải lùi lại sau 15 phút mở màn, ở phút thứ 16 của vở diễn phải chính là bản chất, nội lực, tài năng nghệ sĩ và câu chuyện mới giữ chân được khán giả hay không. Khán giả cũng chứng minh một điều rằng, họ luôn luôn khát khao, không tiếc thời gian, tiền bạc để tìm đến thưởng thức những tác phẩm kịch chất lượng.
Với tuổi 40 của Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi mong thế hệ nghệ sĩ mới, những người lãnh đạo mới của nhà hát sẽ tiếp nối truyền thống, giữ gìn và phát huy thương hiệu nhà hát, dám đối diện, nhìn vào thực chất để vượt qua những thử thách. Giống như lớp thế hệ nghệ sĩ chúng tôi, dù con đường làm nghề không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc.