10 năm hết dạ hết lòng
NSND Kim Cương bộc bạch: “Năm nay chắc chắn là năm chót tôi tổ chức chương trình Nghệ sĩ tri âm. Cái câu này mấy năm nay năm nào tôi cũng nói, thế nhưng cứ đến cận tết, thấy đời sống một số anh em nghệ sĩ khó khăn quá, ai cũng trông chờ nhận quà để có được cái tết ấm no, vậy là tôi lại lao vào làm. Tôi đi gõ cửa từng doanh nghiệp, người thân quen, khán giả yêu quý, để mong nhận được sự đồng cảm, giúp sức, cùng chung tay san sẻ một chút yêu thương cho những hoàn cảnh khó khăn. Ai cho gì tôi cũng nhận hết. Từ cái áo, cái quần, đôi dép, thùng mì gói, gạo, nước mắm, gói bánh, hay bịch đường... Bất kể là vật dụng gia đình hay nhu yếu phẩm, tôi cũng đều đón nhận bằng tất cả sự trân trọng và lòng cảm ơn. Có thể với nhiều người, trị giá các mặt hàng nhu yếu phẩm đó không lớn, nhưng với gia đình anh em nghệ sĩ nghèo thì quà nào cũng quý hết”.
Cứ thế, 10 năm bền bỉ, NSND Kim Cương đã miệt mài gõ cửa khắp nơi, tích cực vận động để xin tiền, xin quà cho mọi người. Nữ nghệ sĩ hay nói vui, hễ lao vào làm thiện nguyện là không biết mệt, công việc thiện nguyện như trao truyền cho bà một sức mạnh tinh thần to lớn. Nhưng khi xong hết việc rồi, sức khỏe của một người lớn tuổi đi kèm với tiền sử bệnh tim, huyết áp khiến bà xuống sức nhiều hơn.
NSND Kim Cương chia sẻ: “Mẹ tôi - NSND Bảy Nam năm 91 tuổi trước khi mất vẫn rất tỉnh táo dạy cho tôi về lẽ sống và công việc thiện nguyện. Mẹ dặn tôi phải luôn xem việc thiện nguyện là việc làm ý nghĩa hạnh phúc, chứ không đơn thuần vì trách nhiệm. Tạo hạnh phúc cho người cũng là tạo hạnh phúc cho mình. Sau đám tang mẹ, khi dọn dẹp phòng, tôi phát hiện rất nhiều biên lai, giấy tờ thu chi ghi lại sự đóng góp âm thầm của mẹ cho các quỹ vì người nghèo. Trên các giấy tờ, chữ ký là tên của các nhân vật mà mẹ đã từng đóng trên sân khấu như Bà Hai bán hột vịt lộn, bà Tư bán chè...”.
Tấm lòng nhân hậu, hành động nghĩa tình lặng thầm của mẹ dành cho nhiều mảnh đời bất hạnh ngoài xã hội đã có sức ảnh hưởng rất lớn đến NSND Kim Cương. Đó cũng là động lực rất lớn để nữ nghệ sĩ tài hoa Kim Cương vững vàng thực hiện chương trình Nghệ sĩ tri âm suốt 10 năm ròng rã.
Hạnh phúc với nghề, với đời
Tuy nhiên, ở thời điểm kinh tế có nhiều khó khăn, chuyện đi gõ cửa vận động kêu gọi sự sẻ chia và hỗ trợ chương trình từ các nhà hảo tâm cũng gặp không ít trở ngại. NSND Kim Cương tâm tư: “Đang thời các doanh nghiệp gặp khó, mình đến xin, không cho thì họ cũng ngại, mà cho thì họ khổ. Nhận sự giúp đỡ đó mình cũng cảm thấy áy náy không yên. Tôi thương các em, cháu mình, nhưng tôi cũng thương mấy người tôi đi xin tiền nữa. Mấy năm qua, thấy mẹ sức yếu, con trai tôi cứ năn nỉ, mẹ ơi thôi đừng làm nữa. Mà thật sự, tuổi tác cao khiến sức khỏe của tôi cũng xuống nhiều, vậy nên tôi sẽ cố gắng cùng các em, các cháu tập trung hết nội lực để tổ chức thêm một mùa tri âm Tết 2024 nữa, để cùng vui với anh em và cũng để khép lại một hành trình tròn vẹn 10 năm nỗ lực sẻ chia cùng mọi người”.
Trong nhiều chương trình giao lưu, khi được vinh danh, có dịp sẻ chia tâm tư tình cảm với các bạn trẻ đang theo đuổi nghệ thuật, với khán giả, NSND Kim Cương thường nhắc đến mẹ - NSND Bảy Nam với những cảm xúc trào dâng, ngập tràn tình yêu thương, lòng cảm phục và biết ơn. Nữ nghệ sĩ nhớ lại: “Xưa, sau mỗi đêm đi diễn về, hai mẹ con thường nằm thao thức cả đêm, có khi chỉ vì tâm đắc một câu thoại, hay quá ưng ý một nét diễn đắt giá của nhân vật trên sân khấu. Tôi rất ngưỡng mộ cách mẹ tôi làm nghệ thuật, bà luôn hóa thân hết mình trong từng nhân vật và để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong lòng tôi và bao khán giả. Tôi nhớ, trong vở Bông hồng cài áo, khi đóng vai người mẹ, bà đã nhờ ủi áo dài nhằm tạo những vết hằn trên tà áo để thể hiện cảnh nhân vật lấy áo dài cũ ra mặc. Khán giả chỉ cần nhìn thấy những nếp nhăn trên áo sẽ dễ dàng cảm nhận ngay ý tứ truyền tải của câu chuyện, rằng người mẹ ấy đã mấy chục năm qua chưa mặc trang phục này”.
“Nghề nghệ sĩ cũng rất lạ. Người thợ mộc dùng bào, búa làm công cụ hành nghề, bác sĩ thì dùng ống nghe, còn người nghệ sĩ hành nghề bằng chính bản thân mình, vừa là công cụ vừa là tác phẩm. Ngày xưa, tôi hay nói với Bạch Tuyết (NSND Bạch Tuyết), nghệ sĩ không khùng thì hát không hay. Tôi cũng hay nói với mấy em trong Đoàn Kịch nói Kim Cương rằng, lao động nghệ thuật là lao động tâm hồn, chỉ khi diễn trên sân khấu, làm sao có thể cuốn cảm xúc của cả trăm khán giả theo cảm xúc của nhân vật mà mình diễn thì mới đạt. Mà cứ nghĩ xem, khi gia đình có chuyện buồn gì đó, mình buồn khóc năm ba ngày đã rất mệt, còn tôi, nghề nghệ sĩ cho tôi được khóc một năm 365 ngày, đó là chưa kể các ngày cuối tuần tăng suất diễn. Trái tim người nghệ sĩ cứ thế luôn bị nhồi ép theo từng vai diễn, thương lắm! Tôi cũng thường chia sẻ với các em trẻ đang theo đuổi nghệ thuật, các em cứ sống hết lòng với nghề, hết lòng với đời thì khán giả sẽ không bao giờ quên mình”, NSND Kim Cương bộc bạch thêm.
Chương trình kỷ niệm về sự nghiệp và dấu ấn 10 năm hoạt động Nghệ sĩ tri âm của NSND Kim Cương sẽ được Đài Truyền hình TPHCM tổ chức tối 28-1 tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM.
Tại đây, NSND Kim Cương sẽ có dịp trải lòng về mẹ, về nghề, về tấm lòng nhân ái dành cho cuộc đời. Đặc biệt, sau hàng chục năm rời sân khấu, đây cũng là lần đầu tiên NSND Kim Cương diễn lại vai Diệu trong trích đoạn cuối Lá sầu riêng, vở diễn từng làm nên tên tuổi Đoàn kịch nói Kim Cương.
Tham gia biểu diễn trong chương trình còn có: NSND Lệ Thủy, NSƯT Hữu Châu, ca sĩ Elvis Phương, Bích Phượng, Cẩm Ly, Lương Thế Thành, Lê Phương... Ngoài ra, chương trình còn trao tặng 120 phần quà cho các nghệ sĩ ở lĩnh vực kịch nói, cải lương, xiếc, hát bội, múa, nhạc... Dịp này, 10 học sinh hiếu học, vượt khó sẽ được nhận học bổng NSND Bảy Nam.