Những câu chuyện mà đạo diễn Nguyễn Hồng Dung kể dưới đây là tình cảm của con gái một người anh, người thầy của ông - NSND Năm Châu, khi hay tin ông giã biệt cuộc đời.
Chú, NSND Huỳnh Nga, đã không còn nữa! Quy luật sinh lão bệnh tử đã ngắt đoạn chú với đường đời, với nhân thế. Từ nay, sẽ không còn được nghe ông già hóm hỉnh kể chuyện đời, chuyện sân khấu rất… Huỳnh Nga nữa rồi.
Có lần đi thực hiện chương trình ở Cần Thơ, mà thời gian tổng duyệt bắt đầu từ 8 giờ sáng. Đêm trước, chú Huỳnh Nga còn ngồi ban giám khảo một liên hoan sân khấu tại TPHCM nên phải di chuyển ngay trong đêm sau khi kết thúc liên hoan cho kịp. Để chú được thoải mái, mọi người mời chú ngồi xe 4 chỗ vừa nhanh vừa êm để chú có thể ngủ được trên đường xa. Đến trạm dừng chân, thấy chú run như bị bệnh, tay ôm ngực ra chiều khó thở. Mọi người lo lắng hỏi, chú lôi trong ngực áo một mớ giấy báo rồi than: “Cái máy lạnh xe nó tốt quá, tao chèn bao nhiêu giấy báo rồi mà không chịu nổi cái lạnh”. Mọi người vừa thở phào vừa cười chọc chú sao không kêu bớt độ lạnh. Ông già tưng tửng nói: “Đi xe ké nào đâu dám hỏi”. Thấy thương chú gì đâu!
Ngồi làm giám khảo cho Giải thưởng Trần Hữu Trang, chú giữ nguyên tắc không được mớm bài cho thí sinh. Nhưng thấy mấy đứa nhỏ đi thi mắc nhiều lỗi sơ đẳng trong biểu diễn quá, vậy là chú ngứa nghề kêu cháu ra chỗ vắng nhắc khéo để cháu bổ sung cho mấy em, còn căn dặn: “Khéo nhe cháu, để chú cháu mình phạm quy đó, mà mình có chỉ gì đâu, nhắc cho tụi nó hiểu thôi mà”. Cái hiểu thôi mà ấy bây giờ cháu mới kể đó chú.
Cái hồi chú về hưu rồi mà ngày ngày vẫn đi bộ ra rạp Hưng Đạo coi tập tuồng. Có tập hay không thì chú vẫn ngồi đó hàng ngày, để thấy được cái hơi thở của một “thánh đường” trong chú vẫn còn nguyên vẹn đó.
Các nghệ sĩ trẻ thường gọi chú bằng “bố”. Và đôi khi cháu cũng gọi chú như thế, mặc dù chú gọi ba cháu bằng chú Năm. Có lẽ sân khấu vui là vì có những nghịch lý đáng yêu ấy. Lần đầu tiên biết chú là ngay trong đám tang của ba cháu, năm 1978. Không biết chú nổi tiếng cỡ nào nhưng trong những ngày tổ chức tang lễ cho ba cháu chú cứ như một nhân viên được phân công lo phần hậu cần. Chú viết giấy đặt mua vải để may áo quần tang cho gia đình, mua vải để tẩm liệm và hàng trăm thứ phải được duyệt mua thời bao cấp… Cháu cứ hay theo dõi chú vì ngoài cái việc hành chánh ấy, chú là người làm cho gia đình cháu bớt nỗi đau mất mát.
Cháu vẫn còn nhớ cái sân rộng mênh mông của cơ quan Hội Văn nghệ Giải phóng 81 Trương Minh Giảng (đường Trần Quốc Thảo hiện nay) về khuya tĩnh mịch, chỉ còn lác đác vài người thức, trong đó có chú. Chú không kể chuyện vui mà chỉ kể những công việc tổ chức tang lễ nhưng duyên đến không thể nín cười được. Từ chuyện nhờ vào số nhân viên Đoàn Sài Gòn 3 mà được duyệt 30m nhựa ni lông (tính trên đầu người, mỗi người 1,5m) để tẩm liệm nên còn dư cho mỗi người một… áo mưa; nhờ số lượng nhân viên Đoàn Sài Gòn 1 mà mua được theo tiêu chuẩn 30m vải trắng, còn dư cho mấy cháu may quần… âm lịch. Thấy mấy cháu ngơ ngác thì chú tỉnh rụi nói có cái quần Tây thì phải có cái quần… âm lịch chứ. Chúng cháu cười vang cả một góc trời, đến nỗi chính chú phải nhắc nhở: “Mình đang ở đám ma nhe bây…”.
Cháu không nghĩ chú đã mất vì trong cháu còn bao nhiêu chuyện chưa kể hết về chú. Chú vẫn còn đây, chú Huỳnh Nga, NSND Huỳnh Nga của lịch sử sân khấu Việt Nam.
Đạo diễn NGUYỄN HỒNG DUNG
Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM