Giờ đây, ở tuổi ngoài 60, NSND Hoàng Cúc đã lui về hậu trường trong một thời gian dài, không còn đóng phim nhiều, nhưng khán giả vẫn luôn dành cho nữ nghệ sĩ những tình cảm vô cùng ấm áp.
NSND Hoàng Cúc là gương mặt quen thuộc với nhiều lớp khán giả từ những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980. Tên tuổi của bà gắn liền với nhiều vở kịch nổi tiếng, như: Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh, Tôi và chúng ta, Em đẹp dần lên trong mắt anh, Nghĩ về mình, Ăn mày dĩ vãng, Thầy khóa làng tôi, Mùa hoa sữa… Song, khán giả lại nhớ tới bà nhiều hơn nhờ các vai diễn trong nhiều bộ phim được phát sóng qua màn ảnh nhỏ, như: Tướng về hưu, Bỉ vỏ, Sa bẫy, Hồi chuông màu da cam, Dòng sông khát vọng, Kiếp phù du...
NSND Hoàng Cúc từng tâm sự, khi còn trẻ, bà từng có ý định học thanh nhạc, nhưng rồi chính ánh đèn sân khấu mới là nơi bà chọn lựa, theo đuổi. Khi mới vào đoàn, bà chỉ nặng có 46kg, nhưng sức làm việc thì khủng khiếp. “Cuộc sống thời ấy khiến con người ta cứ trong veo và hồn nhiên, chỉ biết tận hiến cho nghệ thuật thôi, không mưu cầu hay toan tính điều gì. May mắn và tài sản lớn nhất của chúng tôi lúc đó là tuổi trẻ, có sức khỏe nên không ngại gian khổ, chỉ cần sống được với đam mê là say sưa cống hiến. Buổi sáng, chúng tôi lên đoàn tập vở, buổi trưa chạy rất nhanh đến đài truyền hình để ghi hình những vở kịch thu tiếng trực tiếp, buổi tối lại đi diễn trên sân khấu cho khán giả xem. Ngày ấy theo đuổi nghệ thuật và nhất là sân khấu khó khăn vô cùng”, NSND Hoàng Cúc nhớ lại. Một đêm diễn, cát-xê nhiều khi chỉ đủ tiền mua một tô phở. Các nghệ sĩ thời bao cấp ai cũng xoay xở làm thêm, như NSND Hoàng Dũng lúc đó đi bán quần áo trẻ con, NSƯT Minh Vượng bán giày dép, còn Hoàng Cúc thì mở tiệm áo cưới, rồi cửa hàng nước giải khát… Tuy nghề phụ thu nhập hơn hẳn việc diễn nhưng không có ai bỏ sân khấu…
Với gương mặt sáng và ánh mắt “biết nói”, diễn viên Hoàng Cúc khi ấy cũng được nhiều đạo diễn phim truyện, phim truyền hình để mắt tới. “Mới đầu, ai mời làm phim truyền hình tôi đều nhận hết. Đóng phim thời đó phải trốn. Chính vì chuyện này mà tôi từng bị kỷ luật”, NSND Hoàng Cúc kể. Song cũng nhờ có vậy mà khán giả đã có một vai nàng dâu Thủy vừa xinh đẹp, lại lạnh lùng, sắc sảo đến nhẫn tâm trong phim Tướng về hưu. Khi ấy, nghệ sĩ đóng vai phản diện thường không có cơ hội để tham gia các giải thưởng, liên hoan, vì thế dù Tướng về hưu tham dự Liên hoan Phim Việt Nam năm 1990 nhưng đêm trao giải, Hoàng Cúc không được mời tham dự. Song vượt qua nhiều vai diễn ấn tượng khi ấy, tên Hoàng Cúc đã được xướng lên với giải Diễn viên nữ xuất sắc - một giải thưởng danh giá dành cho nghệ sĩ.
Lạc quan là liều thuốc thần diệu
Đã có một thời gian dài nghỉ vì lâm bệnh, sự trở lại của NSND Hoàng Cúc trong vai diễn “bà mẹ quốc dân” ở phim truyền hình Hoa hồng trên ngực trái năm 2019 đã ngay lập tức được công chúng đón nhận. Chia sẻ với báo chí, mỹ nhân một thời của màn ảnh Việt tiết lộ, sau gần 10 năm lui về hậu trường, cũng nhận được một vài lời mời đóng phim nhưng cũng lần lữa từ chối phần vì sức khỏe, phần vì đang vui vầy với con cháu, song khi gặp được một kịch bản phù hợp, lại được sự động viên của con cái, lửa nghề đã quay trở lại. Hoa hồng trên ngực trái khi ấy được ví như một trong những tác phẩm “bom tấn” của truyền hình với lượng người xem đông bất ngờ. Sau phim ấy, sức khỏe của NSND Hoàng Cúc cũng sa sút, nhưng bộ phim cũng chính là động lực để chị quay trở lại với khán giả trong các chương trình giao lưu, gặp gỡ như Quán thanh xuân, Áo dài của chúng ta…
Cũng nhờ tham gia đóng phim mà cái tên Hoàng Cúc đến gần hơn với khán giả qua nhiều vai diễn để đời như Tám Bính - người đàn bà lầm lỡ trong Bỉ vỏ của đạo diễn Lương Đức; Vũ Lệ Mỹ (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng); Dương Thái Phi trong Kiếp phù du - đạo diễn Hải Ninh… |
Bây giờ, dù bận rộn đến mấy, hàng ngày chị vẫn dành thời gian để thiền, rảnh rang thì đọc sách, làm thơ, cuối tuần khi có dịp thì tụ hội với bạn bè… Có lời mời phù hợp, chị cũng sẽ tham gia các sự kiện để được giao lưu với bạn bè và đón nhận những năng lượng tích cực của khán giả. Với chị, mỗi sớm mai thức dậy đều là một ngày vui.