Ông tên thật là Phan Đắt Trưởng, sinh năm 1933 tại Tân Hào, Bến Tre. Sau một thời gian bệnh già đã ra đi đột ngột lúc 19 giờ 35 ngày 25-5, hưởng thọ 87 tuổi.
Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà riêng: 137/45 Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TPHCM. Lễ truy điệu tổ chức lúc 7 giờ ngày 29-5-2019, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa Trang Đa Phước, Bình Chánh, TPHCM.
Năm 1954, Phan Đắt Trưởng tốt nghiệp Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định. Vở cải lương đầu tiên ông thiết kế sân khấu là Thầy cai tổng bồi. Từ đó, hành trang nghệ thuật của ông đầy ắp những yêu thương do sự tin cậy của các đạo diễn sân khấu cải lương, kịch nói, hát bội, chèo...
Phan Phan đã đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 1997, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, năm 2007, ông được phong tặng danh hiệu NSND.
Những câu chuyện về ông và nhất là những tác phẩm thiết kế mỹ thuật sân khấu của ông luôn làm người trong nghề kính nể. Vốn có cá tính khẳng khái, bao dung nhưng đầy nguyên tắc trong việc thiết kế sân khấu, ông đã dìu dắt nhiều học trò theo nghề, họ cùng ông làm nên những tác phẩm mỹ thuật để đời.
Điểm lại các tác phẩm sân khấu của ông sẽ nhận thấy có nhiều dấu ấn đẹp, được chắt chiu, gầy dựng từ tấm lòng muốn thay đổi những khuôn mẫu đã cũ trong thiết kế. Các vở diễn mà hai cánh màn nhung vừa mở ra đã được nghe những tràn pháo tay của công chúng. Mà chỉ có với NSND, họa sĩ Phan Phan, cảnh trí của từng vở diễn luôn nằm trong ký ức của khán giả mộ điệu. Đó là các vở: Lá sầu riêng, Tả quân Lê Văn Duyệt, Một ông, hai bà, Đêm lạnh chùa hoang, Bao Công vô lò gạch, Lưu Bị cầu hôn giang tả, Vụ án trộm trứng gà, Đường bay, Tiếng súng một giờ khuya, Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển...
Khi biết tin ông đột ngột qua đời, nhiều nghệ sĩ sân khấu đã xúc động. Đối với họ, ông còn là một điểm tựa tinh thần rất lớn, khi mà mỗi thiết kế mang lại cho họ niềm vui vì được sống trong một không gian nghệ thuật tử tế.
"NSND Phan Phan sống chân thành, hòa nhã với nghệ sĩ, ông luôn đặt tâm huyết phục hưng thiết kế mỹ thuật, làm mới không gian sân khấu bằng sự sáng tạo và cập nhật tính hiện đại, trên nền tảng truyền thống mà ông được đào tạo. Chính sự dung hòa đó đã làm cho tác phẩm thiết kế mỹ thuật của ông được công chúng cả nước đón nhận, bạn bè đồng nghiệp học hỏi. Ông ra đi là một mất mát lớn đối với sân khấu phía Nam", NSND, đạo diễn Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - đã tâm sự.