1. Mới đây, tại buổi triển lãm và tọa đàm về ông ở Hội Sân khấu TPHCM mang tên Một đời theo hát bội, NSND Đinh Bằng Phi đã chia sẻ niềm vui được các thế hệ học trò nhớ đến, được xem diễn trích đoạn tuồng Cao Hoài Đức hồi trào mà ông yêu thích. Ông trầm ngâm: “Đi vào nghề hát bội, tôi luôn muốn loại hình nghệ thuật này sống lâu, sống bền vững, được mọi người nhớ đến. Nhưng nếu không có sự quan tâm, bảo tồn thì hát bội sẽ rất dễ mai một. Trong cuộc sống hiện nay, nhiều khán giả đã không còn để ý đến hát bội nữa, thật buồn. Với giáo trình, giáo án của mình trước đây, tôi luôn mong đưa vào giảng dạy trong trường học, để góp phần quảng bá, bảo tồn loại hình nghệ thuật này; nhưng về sau tôi thấy thật quá khó. Thôi cũng chỉ hy vọng nghệ sĩ trẻ tiếp tục nỗ lực làm nghề, giữ nghề để hát bội còn lưu truyền lại cho thế hệ mai sau”.
Hơn 65 năm theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật hát bội, NSND Đinh Bằng Phi đã dành cả cuộc đời mình để đóng góp cho sàn diễn, từ diễn xuất với nhiều vai diễn để đời và nhất là ở vai trò một người thầy nhiệt tâm truyền dạy nghề. Đáng quý hơn nữa chính là với tinh thần chịu khó học hỏi, tìm tòi nghiên cứu, ông đã cho ra đời các ấn phẩm sách giá trị về hát bội và những giáo trình, giáo án giảng dạy nghệ thuật hát bội. Đặc biệt, tác phẩm Nhìn về sân khấu Hát bội Nam bộ (xuất bản năm 1995), tái bản nhiều lần, được xem là một trong các tác phẩm góp phần xây nền móng nghiên cứu lịch sử hát bội Nam bộ.
Miệt mài đảm đương vai trò người thầy trên bục giảng và tác giả tuồng cổ, nhưng tự trong thâm tâm ông rất thích diễn, luôn mê đắm được “sống, thở” cùng với các nhân vật dưới ánh đèn sân khấu. Rồi cũng vì nặng một chữ duyên nợ, ông từng bước đến gần hơn với nghề hát. Trên sân khấu hát bội, ông đã đảm nhận trên 30 nhân vật vai vua, kép văn, quan văn, lão văn có tính cách hiền, trung quân... thành công và tạo được ấn tượng với khán giả qua các vai diễn: Tử Trình (vở Sơn Hậu), Tư Đồ (Phụng Nghi Đình), Triệu Khuông Dẫn (trong 2 vở Trảm Trịnh Ân và Lưu Kim Đính), Trần Nhân Tôn (Sát Thát)…
Với công việc “thầy tuồng”, ông cho ra đời gần 40 kịch bản sáng tác và chuyển thể nhiều vở, được trao các giải thưởng sân khấu, trong đó có các vở đặc sắc: Trần Bình Trọng tuẫn tiết, Cánh tay Vương Tá, Ngọc Kỳ Lân xuất thế, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Xử án Bàng Quý Phi, Nguyễn Trãi nhập Đông Quan, Chất ngọc không tan (viết chung với tác giả Trương Huyền), Chuyện tình bảy núi (viết chung với tác giả Nguyên Hùng), Người cáo (viết chung với tác giả Lê Duy Hạnh)... Trong đó, nhiều vở vẫn được tái dựng trên sân khấu hát bội hôm nay.
2. Nhắc đến NSND Đinh Bằng Phi, người trong nghề và khán giả mến mộ thường nhớ ngay đến nam nghệ sĩ có gương mặt đẹp, vóc dáng thư sinh, nho nhã, mang dáng vẻ của một tài tử. Hơn hết chính là tính cách ông sống, làm việc, ứng xử với mọi người luôn hiền hậu, vui vẻ; cách nói chuyện nhẹ nhàng, nhưng đâu ra đó, đã giúp ông dành trọn cảm tình người đối diện.
Nói về người thầy của mình, NSƯT Ngọc Khanh chia sẻ: “Nghiệp diễn tôi theo đuổi được đến bây giờ là nhờ thầy. Mẹ tôi là nghệ sĩ Ba Út, cùng thời với nghệ sĩ Thành Tôn, Minh Tơ, Năm Đồ... nhưng mẹ không cho tôi đi hát, vì sợ tôi khổ, không đủ sống. Thầy đã khuyên mẹ cho tôi theo học trường lớp chính quy, có thể đảm bảo được cuộc sống. Thầy thuyết phục nhiều lần đến nỗi mẹ tôi phải xiêu lòng”.
Tính cách người thầy, người nghệ sĩ chân chính mãi luôn trong tâm thức của ông, bất chấp tuổi tác. Còn nhớ cách đây 2 năm, khi ở tuổi 80, NSND Đinh Bằng Phi có một buổi trò chuyện với khán giả về nghệ thuật hát bội tại Lăng Ông Bà Chiểu, nhưng rồi ông quên. Đến lúc học trò gọi điện thoại nhắc, ông vội vàng đi xe ôm đến. Trước, ông cúi chào gửi lời xin lỗi đến khán giả; sau, ông nhất tâm đứng nói chuyện với mọi người chứ không chịu ngồi ghế, vì để tôn trọng khán giả, thể hiện đúng phong thái nhà giáo và tinh thần người nghệ sĩ, khi nói về nghề, thuyết trình về hát bội. Cũng mới đó thôi, ông có cuộc gặp gỡ, truyền cảm hứng cho dự án Vẽ về hát bội của nhóm họa sĩ trẻ. Sau cuộc gặp gỡ, nhiều tác phẩm hội họa về hát bội ra đời, góp phần khai phá thêm những góc nhìn mới của người trẻ về nghệ thuật hát bội.
Tác giả - NSƯT Hữu Danh chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp, tôi về Đoàn Nghệ thuật Hát bội TPHCM làm việc, thầy dành cho tôi rất nhiều ưu ái. Hễ thầy viết xong vở tuồng nào là đọc tôi nghe trước tiên. Tôi nghe nhiều rồi nhiễm luôn cách hành văn của thầy. Đó cũng là duyên may được thầy gieo để tôi từng bước tiếp cận với việc sáng tác. Tôi vẫn ấn tượng mãi câu thoại trong vở Chuyện tình bảy núi đặc sắc của thầy “Trời trở lạnh sương lam mờ núi biếc. Áo ôm mình hơi ấm sưởi lòng đơn”. Sự lãng mạn của câu văn giữa chủ thể và cá thể tác động qua lại khiến tôi cứ nao nao trong lòng, cảm xúc về văn chương hát bội, cách viết biền ngẫu. Sau này, điều đó chính là hành trang cho tôi phát huy vai trò viết tuồng...
Hơn 26 năm làm việc tại Đoàn Nghệ thuật Hát bội TPHCM, NSND Đinh Bằng Phi vừa tham gia biểu diễn, truyền nghề, vừa làm công tác quản lý. Trong đó, ông ghi dấu ấn khi đưa nghệ thuật hát bội đến gần hơn với công chúng trẻ qua chương trình biểu diễn miễn phí tại trường học. Với người trong nghề, ông chính là nhà “hát bội học” chân chính, khiêm tốn…
Ở tuổi 82, NSND Đinh Bằng Phi có nguyện vọng xây dựng một phòng trưng bày hình ảnh tư liệu, tạo không gian đặc trưng của hát bội tại tư gia, như một bảo tàng nhỏ về hát bội dành cho mọi người yêu thích bộ môn nghệ thuật này. |