Theo NSND Bạch Tuyết, dù qua bao năm tháng thì truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong văn hoá ứng xử của người Việt nói chung.
Để có được sự phát triển của sân khấu hôm nay, các tiền nhân đã chịu nhiều hy sinh, đắng cay, khổ nhọc. Vậy nên, chuyến đến thăm, dâng hương, cùng ôn lại lịch sử, ghi nhớ công ơn của tiền nhân của nữ nghệ sĩ và các bạn trẻ sẽ giúp người trẻ hiểu thêm về vai trò, trách nhiệm của người nghệ sĩ trong công việc chuyên môn và đối với cuộc sống xã hội.
Tại đây, các nghệ sĩ và 50 thí sinh đã dâng hương, thăm mộ phần của NSND Phùng Há, NSƯT Thanh Nga, tác giả Hoa Phượng…
NSND Bạch Tuyết đã ôn lại nhiều kỷ niệm với NSND Phùng Há - người thầy đã truyền dạy, đào tạo NSND Bạch Tuyết khi bà mới vào nghề.
"Cải lương chi bảo" Bạch Tuyết tâm sự: “Từ khi vào nghề đến khi nổi tiếng, tôi vẫn luôn nhớ từng lời dạy của bà. Những gì tôi làm theo lời bà, thì mọi thứ đều thành sự thật. Đây là phước báu lớn trong đời, hiếm ai có được. Mẹ tôi mất khi tôi 8 tuổi, vì thế, bà như chỗ dựa cho tôi. Tôi chỉ biết hứa rằng khi còn hơi thở sẽ làm cải lương thật tốt”.
NSND Bạch Tuyết cho biết, bà nhớ mãi buổi học nghề với NSND Phùng Há và nghệ sĩ Kim Cúc, dạy diễn tuồng Thái hậu Dương Vân Nga: “Má hai Kim Cúc nhờ một số bạn lấy thước đo từ mặt đất lên cánh tay tôi và bà dặn, từ đó trở về sau, khi ra sân khấu phải để tay đúng như vậy. Còn má bảy Phùng Há dặn khi đưa tay ra, làm sao phải để khán giả muốn đỡ lấy.
NSND Phùng Há dạy chúng tôi phải giữ thân thật tốt. Việc giữ gìn này cho bản thân nghệ sĩ lẫn khán giả. Khán giả vốn đã thấy nghệ sĩ đẹp trên sân khấu thì ngoài đời cũng như thế, không được để mình xấu xí, kém chỉn chu, ứng xử kém văn hoá. Điều đó cũng thể hiện sự tôn trọng khán giả”.
Với sân khấu hôm nay, NSND Bạch Tuyết mong muốn đào tạo được nhiều nghệ sĩ cải lương thế hệ mới, vì theo nữ nghệ sĩ, sân khấu cải lương đang rất cần sự thay đổi, để thích nghi, tồn tại và phát triển. Đó cũng là lý do để NSND Bạch Tuyết cùng các cộng sự sáng tạo ra chương trình truyền hình thực tế Học viện Cải lương, hướng đến việc đào tạo nghệ sĩ cải lương thế hệ mới, nhằm thích nghi với sự thay đổi, chuyển biến của thị trường văn hoá giải trí hiện tại và tương lai.
Các nghệ sĩ mới sẽ không chỉ biểu diễn, mà còn là người làm văn hóa, tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Theo NSND Bạch Tuyết, ngoài sự nỗ lực của các nghệ sĩ kỳ cựu và nghệ sĩ thế hệ trẻ thì cũng cần sự chung tay của các nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu này.
Nhiều thí sinh trong top 50 của cuộc thi cho biết, nhờ sự trải nghiệm rất mới mẻ và nhiều ý nghĩa này, đã được hiểu thêm về nghệ thuật, sân khấu, sự hy sinh của các bậc tiền nhân, để từ đó tâm niệm sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân hơn để từng bước đạt được ước mơ theo đuổi con đường nghệ thuật.