Chỉ theo dõi 42 đối tượng
Theo báo cáo từ Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats, trong năm ngoái, NSA đã ghi lại số liệu của 151 triệu cuộc gọi dù cơ quan này chỉ phải theo dõi 42 đối tượng tình nghi khủng bố cùng với các đối tượng khác được xác định từ năm trước theo trát của Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài. Đây cũng là báo cáo đầu tiên phản ánh hiệu quả của Đạo luật về tự do 2015, trong đó giới hạn NSA chỉ được phép thu thập thông tin cuộc gọi của người dân Mỹ và các đối tượng mà các cơ quan tình báo đối tác tình nghi có liên quan tới khủng bố. Năm 2013, Washington phải hứng chịu búa rìu dư luận cả trong và ngoài nước sau khi cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ NSA theo dõi, do thám người dân trong nước và cả các đối tác thân cận của Mỹ tại châu Âu như Đức, Pháp...
Hiện Quốc hội Mỹ đang cân nhắc có nên duy trì Điều khoản 702 của Đạo luật Theo dõi tình báo nước ngoài (FISA) cho phép NSA thu thập thông tin tình báo đối với những người không mang quốc tịch Mỹ và sống bên ngoài lãnh thổ quốc gia này. Đạo luật này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Những người ủng hộ quyền riêng tư thì cho rằng Điều khoản 702 cho phép NSA theo dõi các hoạt động kết nối mạng và điện thoại của người dân Mỹ mà không cần trát của Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài và những tin tức tình báo nước ngoài có thể được sử dụng phục vụ các mục đích hành pháp trong nước, vi phạm các quy định luật pháp truyền thống.
Báo cáo mới được đưa ra trong bối cảnh có những cáo buộc mà mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại rằng người tiền nhiệm Barack Obama đã ra lệnh theo dõi không kiểm soát các thông tin, trao đổi của ông Trump hay việc cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice yêu cầu NSA công khai tên của những công dân Mỹ nằm trong diện bị theo dõi. Tuy nhiên, cả các thành viên của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Ủy ban tình báo quốc hội Mỹ đều cho biết không có bằng chứng nào cho thấy các cáo buộc trên chính xác.
Hướng tới minh bạch cao
Kể từ sau sự kiện 11-9-2001, NSA đã bắt đầu thu thập thông tin giám sát các cuộc gọi điện thoại, ghi lại số của người gọi và người nhận, số lượng và thời lượng của các cuộc gọi nhưng không ghi lại nội dung. Cuối tháng 4 vừa qua, NSA tuyên bố sẽ chấm dứt việc theo dõi các cuộc trao đổi qua thư điện tử và tin nhắn giữa người dân Mỹ và những cá nhân ở nước ngoài. Đây được xem là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong chính sách do thám của Mỹ trong năm nay nhằm đảm bảo quyền riêng tư của người dân.
Giới chức Mỹ cho biết con số 151 triệu cuộc gọi được thu thập trong năm 2016 nhỏ hơn rất nhiều so với con số những gì mà NSA đã thực hiện đến thời điểm bị Edward Snowden đưa ra ánh sáng vào năm 2013. Theo đó, trong tổng số 151 triệu cuộc gọi trên bao gồm nhiều cuộc gọi đến và đi từ cùng một số điện thoại và số người mà các cuộc gọi của họ bị thu thập cũng ít hơn rất nhiều. Giới chức Mỹ cho hay họ không có thông báo về hồ sơ điện thoại cá nhân bị thu thập.
Bản báo cáo cũng cho biết các quan chức Mỹ làm lộ tên các công dân Mỹ ít hơn trong các báo cáo nghe trộm NSA vào năm 2016 so với năm 2015. Theo đó, năm 2016 có tên của 1.934 công dân Mỹ được tiết lộ để đáp ứng các yêu cầu cụ thể, ít hơn con số 2.232 công dân vào năm 2015. Người phát ngôn Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia Timothy Barrett khẳng định: “Báo cáo năm nay tiếp tục hướng đi của chúng tôi hướng tới tính minh bạch cao hơn, cung cấp các số liệu thống kê bổ sung ngoài những gì được luật pháp đòi hỏi”.